hai ông vua cai trị song song với nhau vào thời ấy thì không làm sao có sáp
nhập đất đai được.
Các sử gia, bắt đầu từ Tư Mã Thiên, đều hiểu lầm một cách vô lý rằng có
sự sáp nhập đất đai, nhưng nếu có sáp nhập thì làm sao mà có hai ông vua
cai trị song song với nhau tại hai nơi, và ông An Dương Vương vẫn toàn
quyền độc lập chớ không hề là phó vương của Trạch Hu Tống.
Cổ sử Tàu xét ra thì rất rõ, chỉ tại các ông sử gia về sau suy luận tầm
ruồng nên mới tưởng tượng ra sự sáp nhập đó, và Tư Mã Thiên lại đi xa
hơn, tưởng tượng xong, họ Tư Mã lại bịa thêm một địa danh là Tây Âu Lạc
để ngầm nói là có sáp nhập (nhưng lại bịa sai nguyên tắc là lấy tên một
nước ghép với tên một dân tộc, chớ nếu bịa đúng thì phải là Tây Lạc mới
được).
Có lẽ họ Tư Mã cho đó là đất man mọi, đã thành các quận huyện của Tàu
rồi thì viết sao cũng được, có sai chút đỉnh cũng chẳng việc gì, bởi những
nơi ấy sẽ là đất của Tàu một trăm phần trăm với các tên khác, chẳng ai buồn
biết tới sử của các nơi ấy mà chi. Không dè nó lại không thành đất Tàu, và
trái lại, nó có tham vọng biết chắc về nguồn gốc của nó, nó tò mò, lần dò,
lục lạo tỉ mỉ, và làm cho lòi ra cái sự viết liều của ông ta.
Cũng xin nhắc lại rằng trong chương đó Tư Mã Thiên cũng chỉ dùng có
một lần cái danh xưng bịa kỳ khôi ấy mà thôi, còn thì ông tiếp tục gọi đất
phía Tây của Triệu Đà là Âu Lạc, chớ không nói lần thứ nhì là Tây Âu Lạc
nữa, vì lẽ gì thì chúng tôi đã giải thích rồi: ông ta chợt thấy mình ghép chữ
sai, nhưng không thể bôi xoá được mà cũng lười bỏ cả để viết lại trọn
quyển.
Và cũng xin nhắc rằng Ban Cố thì lại khác, gọi phía Tây của Triệu Đà là
Tây Âu. Nhưng hai ông đó không có sai, cũng không có mâu thuẫn với
nhau.