Đó là nơi mà ngày nay khoa thiên văn gọi là Hạ chí Tuyến Bắc
(Tropiques Nord du Cancer). Hạ chí Tuyến Bắc chạy ngang thành Phiên
Ngung, ở dưới Quảng Đông tỉnh lỵ ngày nay chừng một cây số.
Tư Mã Thiên chỉ mới biết tới đó mà thôi rồi ông chết đi. Những kiểm
soát về sau, do Mã Viện thực hiện, ông không được hưởng.
Đám trí thức Tần nằm nhà, nghe tin sự thành công khoa học ấy, bày ra
cái huyền thoại nầy là dân ở đó cất nhà day mặt hướng Bắc vì họ suy luận
theo lối Tàu rằng hễ khi mà mặt trời nằm ở hướng Bắc của con người thì
hẳn con người phải day cửa hướng Bắc để hưởng mặt trời. Họ không biết
rằng hiện tượng ấy chỉ xảy ra có vài ngày trong một năm, và có vài giờ
trong vài ngày đó, thì dân không dại gì mà cất nhà như vậy.
Huyền thoại “Bắc Hộ” chắc không phải do Tư Mã Thiên bịa ra, nhưng
ông đã dùng huyền thoại đó trong Sử Ký.
Tư Mã Thiên không phải là một người nằm nhà, ông đã đi nhiều nhứt
trong các sử gia Tàu, nhưng ông tự thú rằng về phía Nam, ông chỉ đi tới
Giang Hoài (Sử Ký). Như vậy, ông dùng huyền thoại là chuyện dĩ nhiên, bởi
ông không thấy cảnh vật Phiên Ngung.
Soạn giả Sử Ký chết đi với cái huyền thoại thứ nhứt đó.
Rồi Mã Viện lớn lên, đi viễn chinh, kiểm soát lại, và một huyền thoại thứ
nhì lại ra đời.
Xin nhắc rằng sử nhà nước của Tàu chép rằng Mã Viện đuổi theo tàn
quân của hai bà Trưng đến Cư Phong diệt được họ rồi thôi.
Nhưng những quyển sử không chính thức, thí dụ quyển Thủy Kinh Chú,
thì lại chép tỉ mỉ rằng Mã Viện còn đi nữa, đi cho tới cực Nam của quận
Nhựt Nam mới thôi, cái phần sau đó Thủy Kinh Chú viết rất dài, chớ không
phải chỉ có 6 chữ như Hậu Hán thư.