Tóm lại, Tư Mã Thiên chỉ biết có tình hình khí tượng Phiên Ngung là nơi
mà nhà Tần đã thí nghiệm xong. Nhưng nếu họ Tư Mã biết nhiều hơn thì
ông ấy cũng sẽ nói Phiên Ngung là nơi “Bắc Hộ”, vì biên giới là một lằn
mức mỏng như sợi chỉ, chớ không thể là một phần đất dài 5.000 cây số
được. Như vậy muốn lấy thiên văn để chỉ cái lằn mức đó, người viết sử chỉ
có thể dùng hai nơi là nơi bắt đầu và nơi cuối cùng vì hai nơi đó có tánh
cách tiêu biểu, tánh cách tượng trưng. Nơi cuối cùng là đường xích đạo, nơi
bắt đầu là thành Phiên Ngung.
Ngày xưa ở Trung Hoa (mà cho cả ở Địa Trung Hải cũng thế) những nhà
sử địa thường dùng thiên văn để định vị trí của những nơi xa xôi đối với xứ
của tác giả.
Như vậy Tư Mã Thiên không có làm việc trái đời chút nào hết, mà làm
đúng theo phương pháp thuở đó khi lấy hai tiếng “Bắc Hộ” để chỉ biên giới
cực Nam của nước Tàu dưới đời Tần, sau trận Ngũ Lĩnh.
Chỉ rắc rối là cái khoa thiên văn ấy chỉ mới được kiểm soát lần đầu vào
nơi bắt đầu của vùng nhiệt đới dài mười ngàn cây số mà thôi, vùng nầy
chạy từ Phiên Ngung cho đến đường xích đạo là lên tới cực điểm rồi hạ
xuống lần lần cho tới Nam Chí Tuyến (tropiques du Capricorne), chạy
ngang giữa xứ Úc Đại Lợi, tổng cộng là 10 ngàn cây số là hết và phiền nữa
là sự kiểm soát ấy lại bị huyền-thoại-hoá với vụ “Cất nhà day mặt hướng
Bắc” ly kỳ ấy.
Chúng tôi nói rằng chỉ có thể dùng hai nơi là Hạ Chí Tuyến Bắc
(tropiques Nord du Cancer) và đường xích đạo để làm nơi tiêu biểu cho lằn
ranh giới. Nhưng có thế nào mà Tư Mã Thiên lại làm sai phương pháp, lấy
một lằn mức ở Giao Chỉ hay không?
Không, bởi vì sử Tàu chỉ nói đến việc đặt nhựt khuê tại Phiên Ngung
dưới đời Tần mà không nói đến việc đặt ở nơi khác như đã nói vào thời Mã
Viện.