Câu sử trên đây giải quyết một lượt đến hai vấn đề: Tượng Quận và Tây
Âu. Khi biên giới cực Nam của Tàu mà nằm tại Hạ chí tuyến Bắc thì Tần
không có chiếm Âu Lạc, vì Hạ chí Tuyến Bắc là Phiên Ngung.
Người đặt tên cho quận Nhựt Nam cũng bí hiểm không kém Tư Mã
Thiên vì Nhựt Nam cũng gây ngộ nhận.
Thứ nhứt, hai tiếng Nhựt Nam đã làm cho nhiều người hiểu sai rằng ở đó
mặt trời ở phía Nam con người, mà thật ra thì ở đó mặt trời ở phía Bắc của
con người vào mùa Hạ chí.
Đã bảo Nhựt Nam là Mặt trời phương Nam độc đáo. Nhưng làm sao mà
hiểu như vậy cho được chớ?
Các ông Tàu dùng chữ quá bí hiểm như vậy đó. Chính ở Hoa Bắc thì hiện
tượng Nhựt Nam mới xảy ra hằng ngày, nếu hiểu theo nghĩa thông thường
Nhựt Nam là mặt trời ở phía Nam của con người.
Cũng như hiện tượng ban ngày mặt trời bị mặt trăng che, họ gọi là Nhật
thực tức Mặt trời ăn. Sự thật thì chính mặt trăng ăn mặt trời ấy chớ, và phải
gọi là Nguyệt thực mới đúng cho. Còn như muốn dùng chữ Nhật thì phải
nói Nhật bị thực mới ổn.
Lại còn Tỵ Ảnh nữa. Thật ra thì chỉ có tại đường Xích đạo mới có thể đặt
tên là Tỵ Ảnh, còn đứng về mặt tương đối thì chính huyện Tượng Lâm tỵ
ảnh nhiều hơn huyện Tỵ Ảnh, bởi huyện Tỵ Ảnh ở trên Tượng Lâm khá xa,
tức ít Tỵ Ảnh hơn Tượng Lâm nhiều lắm.
Thấy rõ là họ đặt địa danh bậy bạ hết, và ai tin rằng Việt Thường là đất
của dân Việt Thường đời Chu Công Đán là lầm to.
Thứ hai, lối đặt tên bậy bạ như vậy đã gây ngộ nhận cho vua Tàu một
cách buồn cười và ngộ nghĩnh.