một ngộ nhận của vua Tàu, cả vua Tàu và Trương Trọng đều thành thật. Chỉ
có ta là ngộ nhận thêm rằng vua Tàu quá tin nơi sự thần phục của “man di”,
còn “man di Trương Trọng” thì lại biết binh vực màu cờ xứ sở Việt Nam.
Trương Trọng là người Tàu đi trị man di, còn Nhựt Nam cũng không phải là
đất của Việt Nam vào thuở đó, hay nói cho đúng ra đó là thuộc địa mới của
vua Hùng Vương, người Chàm còn đông đặc ở đó.
Người Tàu Trương Trọng binh vực màu cờ Việt Nam làm gì, khi ông là
người Tàu di cư đến Hợp Phố và đi trị Chàm?
Kết luận: Nhà Tần không bao giờ có đánh chiếm đất Bắc Việt ngày nào
hết, câu sử của Tư Mã Thiên đã đính chánh mạnh tất cả mọi thuyết.
Chúng tôi không hề nhắm mắt mà tin Tư Mã Thiên như có một số sử gia
đã tin, nhưng riêng câu sử trên kia thì Tư Mã Thiên phải được tin bằng lời
bởi chúng tôi đã đưa ra nhiều sự kiện khác để chứng minh rằng nhà Tần
không hề có chiếm Cổ Việt, tức Tư Mã Thiên bị kiểm soát cẩn thận.
Theo Ngô Sĩ Liên thì vào đời Đường và đời Tống, Trung Hoa lại kiểm
soát lại một lần nữa tại Giao Châu và Lâm Ấp. Và đây là nguyên văn họ
Ngô:
“Tống dựng nêu (ngomon) tại Lâm Ấp thì nhìn thấy mặt trời ở phía Bắc
cây nêu 9 tấc 1 phân. Ở Giao Châu thì bóng ở phía Nam cây nêu 3 tấc 3
phân.
Nhà Đường đo bóng mặt trời ngày Hạ chí. Ở Giao Châu thì bóng ở phía
Nam cây nêu, y như vào đời Tống”.
Nên biết rằng Ngô Sĩ Liên viết chữ Tàu nên phần trên của câu chuyện
nầy có thể gây ngộ nhận, vì chữ Tàu là một thứ văn tự nói không rành
mạch. Làm thế nào mà người đời Tống có thể thấy mặt trời ở phía Bắc cây
nêu 9 tấc 1 phân được? Nói như ở phần sau là thấy bóng mặt trời (ở phía
Nam) tức thấy bóng cây, thì ai cũng hiểu được hết.