Hễ bóng cây ở phía Nam (theo đoạn sau) thì mặt trời phải ở phía Bắc,
nhưng sự kiện mặt trời ở phía Bắc không thể thấy được thì không nên viết
như thế ở đoạn trước. Mà Tàu thì lại viết như thế về đủ cả vấn đề, khiến ta
đọc sách Tàu nhức đầu lắm.
*
* *
Ở chương sau chúng ta sẽ biết thật rõ hơn nước Tây Âu về mặt chủng tộc
học. Ở đây, chỉ tạm khẳng định rằng nước ấy chẳng dính líu gì hết đến Cổ
Việt tức đến Âu Lạc.
Dầu sao đất của An Dương Vương cũng còn ở ngoài vòng đô hộ của nhà
Tần, và nước Trung Hoa không bao giờ có chiếm Cổ Việt trong cuộc viễn
chinh của Đồ Thư như bài nghiên cứu dài 72 trang khổ lớn của ông L.
Aurousseau đã muốn chứng minh, và nhiều sách ta chép theo.
Đây chỉ là sự thật lịch sử chớ không vì tự ái quốc gia hay gì gì khác, bởi
vua Tần Thỉ Hoàng vẫn hãnh diện cho ta hơn là thua An Dương Vương.
Nhưng ta đã nhận có bị An Dương Vương chinh phục vào thuở đó là vì sự
thật mà thôi.
Bị Tần Thỉ Hoàng chinh phục, không xấu hơn là bị Thục Phán chinh
phục chút nào, trái lại, còn vinh diệu hơn, vì Tần sử dụng đến nửa triệu
quân còn Thục Phán thì chỉ dùng có ba mươi ngàn. Nhưng chúng tôi cứ nỗ
lực phủ nhận cuộc chinh phục của Tần Thỉ Hoàng là chỉ vì sự thật.
Bằng chứng thứ IV
Đây là bằng chứng cuối cùng và quyết định, có giá trị hơn cả vụ Bắc Hộ
huyền hoặc của Tư Mã Thiên nhiều lắm.
Quyển sách độc nhứt có tả rõ chiến trường Ngũ Lĩnh của Tần Thỉ Hoàng
là quyển Hoài Nam Tử của Lưu An, và câu sử quan trọng nhứt cho biết Tần