Sử Tàu chép rằng một ông quan ở Nhựt Nam được sang Tàu, được chầu
vua, và vua Tàu hỏi có phải ở Nhựt Nam thiên hạ cất nhà day cửa hướng
Bắc hay không? Người Nhựt Nam trả lời rằng làm gì có cái việc kỳ lạ như
vậy, mỗi người day cửa theo hướng tiện lợi thôi chớ, như ở gần sông day
cửa xuống sông, gần biển day cửa ra biển mà biển thì ở hướng Đông.
Ở đây sự ngộ nhận lại chạy sang nẻo khác nữa và người mình lại hoan hô
ông Nhựt Nam ấy dữ lắm. Nguyên vua Tàu có tục bắt các phiên thần day về
hướng Bắc để tỏ ý thần phục vì hướng mà Trung Hoa cho là tốt, là đáng
nhìn, là hướng Nam. Vì vậy mà người mình ngỡ câu hỏi của vua Tàu có ẩn
ý muốn biết người Nhựt Nam quả có thần phục nước Tàu đến mức mà cả
toàn dân đều thực hiện cái lịnh day mặt hướng Bắc hay không, còn câu đáp
của ông Nhựt Nam cũng có ẩn ý rằng dân Nhựt Nam không thần phục
Trung Hoa.
Đó là một ngộ nhận, chớ thật ra, vua Trung Hoa chỉ hỏi thật tình vì kém
thiên văn và địa lý, còn ông Nhựt Nam cũng chỉ đáp thành thật mà thôi.
Ta lại ngộ nhận một lần thứ ba nữa, ta khen người Nhựt Nam đó biết binh
vực cho tinh thần bất khuất… Việt Nam. Nhưng thật ra thì Nhựt Nam là đất
Chàm, mà ai cũng cứ tưởng là đất Việt. Ta sẽ thấy rõ ở chương Chàm. Nếu
có kẻ nào binh vực cho nước nào thì cái nước được binh vực là nước Chàm
chớ không phải là nước Việt.
Nhưng không có ai binh vực ai cả, vì kẻ đó là người Tàu.
Cái ông Nhựt Nam đó tên là Trương Trọng, không phải là người Việt
Nam hay người Chàm. Ông ta là người Tàu và được bổ nhiệm làm quan ở
Nhựt Nam. Có dịp về Lạc Dương chầu vua Tàu, nên mới có câu chuyện
trên đây.
Như vậy thì không có vấn đề “ái quốc”, vấn đề “binh vực thể thống quốc
gia” như vài nhà học giả ta đã đưa ra để ca ngợi Trương Trọng. Đó chỉ là