Nhà vua không biết rằng thuở ấy Âu và Lạc đều được Tàu gọi là Việt.
Danh xưng Việt không chỉ riêng gì ta, và đất Việt không chỉ riêng gì đất của
ta.
Từ sông Dương Tử đổ xuống, bất kỳ thổ dân nào cũng bị họ gọi là Việt
tuốt hết. Lưu An chỉ nói đến dân Việt ở Ngũ Lĩnh, mà cứ bị các sử gia Pháp
và Việt hiểu rằng đó là Việt Nam ở Âu Lạc có kỳ chưa? Đã bảo Ngô Khởi
ký hiệp ước với Bách Việt, mà trong đó có Đông Âu và Tây Âu, mà Âu tức
là Thái thì danh xưng Việt của Tàu rất rộng nghĩa, phương chi họ đã phân
biệt hai thứ Việt bằng hai tự dạng, ngay từ thời đó chớ không phải mới phân
biệt về sau nầy vì sợ Tây Sơn và vua Tự Đức đòi đất lại.
Sáu quận đó là của nước Nam Việt chớ không phải của nước Việt Nam.
Mà Nam Việt thời Hán là Quảng Đông, và Cổ Việt Nam thì còn biết sáu
quận ấy là đất của dân nào thật sự, có thể là của dân Lạc, mà cũng có thể là
của dân Thái, nhưng chắc chắn là của dân Thái bằng vào tiêu chuẩn chia cắt
nói trên. Tiêu chuẩn ấy không hề được ghi chép ở sách nào hết, nhưng vẫn
phải có. Sự chia cắt của nhà Hán chỉ đi ngược chiều sự sáp nhập của Triệu
Đà và các thành phần bị nhập và bị tách phải như nhau, cũng cứ vì cái tiêu
chuẩn nói trên.
Còn trước Triệu Đà, dưới thời Tần Thỉ Hoàng thì có di cư hay không?
Cũng chắc chắn là không vì sử Tàu cho rằng xứ Tây Âu dư đất cần đem
dân Tàu xuống định cư thì dân Tây Âu không mắc chứng gì mà di cư, bỏ
quê hương xứ sở của họ. Cuộc di cư của người Miêu tộc vào Bắc Việt cách
đây trên hai trăm năm, đã cho thấy như vậy. Họ chịu đựng người Tàu suốt 5
ngàn năm, rồi bị lấn đất dữ quá họ mới phải di cư. Tới Thượng du Bắc Việt,
bị người Thái kháng cự không cho nhập cảnh, họ liều chết đổ máu với
người Thái, cho đến lúc vua ta can thiệp, họ mới chạy lên các ngọn núi rồi
được để yên trên đó từ ấy những nay. Dân bị trị đã chịu đựng được tới 5
ngàn năm không có vấn đề bỏ đất như thời Xy Vưu vì văn hoá đôi bên đã
gần gũi nhau rồi.