Như vậy nếu cổ mộ Tứ Xuyên giống hệt cổ mộ Lạch Trường thì còn là lạ
nữa, và có gì đâu mà là “Ngã ba của các dân tộc và nền văn minh”?
Chúng tôi đã đề cao tài quật thám của ông O. Jansé, nhưng ngoài cái tài
đó, ông đã đi từ sai lầm nầy đến sai lầm khác.
Đó cũng là một nhà bác học không tinh thông môn Hoa học, nhưng lại bị
biệt phái oan uổng sang khu vực ảnh hưởng Trung Hoa.
Thái và Việt giống nhau cho đến đỗi trông cứ như là một.
Bốn tượng đồng gắn trên nắp bình đồng Đào Thịnh cho ta thấy những Cổ
Việt mặc sà rong, một thứ sà rong ngắn của nông dân Lào ngày nay, sà rong
mặc tạm để làm việc trong nhà hoặc ngoài đồng, khác với sà rong đi chùa
hay đi chơi.
Còn người Việt Khê thì thổi kèn, một cây kèn giống hệt cây Khène của
Lào và Kèn và Khène chắc chắn là hai danh từ đồng gốc mà ra, chỉ có khác
là người Đông Sơn bịt khăn, còn người Thái thì không.
*
* *
Tới đây thì truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ của dân tộc phải
được hiểu lại. Đó là chuyện Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ đẻ ra 100 cái
trứng, nở ra 100 người con, 50 theo cha xuống biển, 50 theo mẹ lên rừng.
Cho tới nay, người ta cứ xem đó là sự ám chỉ đến sự ly khai giữa Việt
Nam và Mường + Thượng. Nhưng thật ra thì không phải thế.
Truyền thuyết nầy ăn khớp với hai danh tự xưng Âu và Lạc và đặc điểm
của hai chi đó. Chi Âu chiếm toàn địa bàn (Âu Cơ là tiên, đem con lên rừng
mà ở) còn chi Lạc thì chiếm toàn địa bàn sông ngòi ở ven biển (Lạc Long
Quân là rồng nên đem con xuống biển).