Riêng Việt Nam thì chúng tôi bắt được bằng chứng rằng xưa kia tiếng ta đa âm y
như Mã Lai. Chịu ảnh hưởng Tàu, chúng ta thành độc âm, nên chúng ta bỏ bớt Hạ.
Nhưng người cổ Việt, hiện còn sống sót là người Khả Lá Vàng vẫn nói đa âm là Sula.
Nhưng không cần những chú thích nầy, nhìn vào biểu đối chiếu ta cũng thấy ngay
là danh từ ấy, bề ngoài có vẻ khác nhau, nhưng vẫn đồng gốc mà ra.
Xin chú ý: Có 5 nhóm khởi sự bằng tử âm L, 5 nhóm khởi sự bằng tử âm H, 3
nhóm bằng tử âm S, một nhóm bằng tử âm K.
Hai nhóm có mọc đuôi T, một nhóm mọc đuôi Ra và một nhóm mọc đuôi Yu.
Nhưng cái bộ xương bên trong cứ là La, không có nhóm nào mà thiếu La được cả,
trừ Nhựt Bổn.
Nhưng nhóm Thái Lan, cũng đồng gốc Thái với Cổ Tây Âu và Cổ Thục, thì lại
không có La. Họ nói là Bai. Nhóm Lào, cũng đồng gốc với Thái lại nói là Thông. Có
lẽ là vay mượn của chủng Mê-la-nê mà họ có lãnh đạo một thời khá dài ở Vân Nam.
Thí dụ thứ nhì cho ta thấy những biến dạng đã xảy ra y hệt như vậy đối với các
danh từ, đại khái, một nhóm chỉ lấy khúc đầu, một nhóm chỉ lấy khúc đuôi, y hệt như
Hạ + Lá, nhưng gốc tổ vẫn là nhị âm, nhị chớ không phải đa như thiên hạ cứ tưởng.
Thí dụ: Núi non
Việt Nam: Non
Cổ ngữ Ba Thục: Non
Cổ ngữ Phù Nam: B’nam
Mạ: Ph’nơm
Cổ ngữ Môn và Cao Miên: Ph’nom
Mã Lai: Gunông
Thái: Phu hoặc Phunông