Ai lại không muốn cho một quyển dạy nuôi gà chẳng hạn, được viết bằng một lối
văn hay, nhưng khi mà không dung hoà được văn hay với cái mà tác giả cần làm lộ rõ
ra, thì tác giả phải hy sinh một trong hai món đó, chớ không thể cả tham. Phương chi
chúng tôi lại mong ước sách nầy được những người không chuyên môn theo dõi, thì
những Redites rất cần. Chỉ có những người nhà chuyên môn mới thấy ngay và nhớ kỹ
những điểm quan trọng nằm ẩn trong hàng triệu từ của những trăm trang sách nầy,
còn một người không chuyên môn thì sẽ không nắm vững được quá nhiều yếu tố
quan trọng của sách.
Trước khi có kết quả khảo tiền sử cho khắp Á Đông thì trên đời nầy không ai biết
rằng có Mã Lai đợt II cả, mặc dầu họ thoáng thấy sự giống nhau giữa Môn ngữ, Khơ
Me ngữ, Tạng ngữ, Việt ngữ, Nam Dương ngữ v.v.
Nhưng khi mà khoa khảo tiền sử đã làm việc xong, và nhứt là khoa đo sọ đã làm
việc xong, thì người ta mới hay rằng Tạng, Miến, Cao Miên, Việt Nam gì cũng là Mã
Lai đợt I cả, và sự giống nhau về ngôn ngữ là sự đồng chủng chớ không phải là vay
mượn.
Thế giới chỉ biết có Mã Lai đợt II là người Nam Dương vì họ đang tự xưng là Mã
Lai, và tưởng họ phát tích tại Nam Dương. Giáo sư Kim Định cũng chỉ biết tới chừng
đó, nên giáo sư khuyên ta đừng tìm nguồn ở Nam Dương.
Giáo sư có linh cảm rất hay là ta từ phương Bắc mà đến, nhưng chỉ hay riêng đối
với dân ta thôi, chớ giáo sư không hề nghĩ rằng ta là Mã Lai. Và đó chỉ là linh cảm,
mà vì làm việc bằng linh cảm cho nên giáo sư mới gán ghép, nhập Miêu vào Việt
nhưng bỏ Nam Dương ra và gọi họ là Mán, Thổ với cái nghĩa sai là Mọi, chớ theo
nghĩa chủng tộc học thì Mán thuộc Miêu chủng và Thổ là một phụ chi của Âu tức
Thái, cả hai thứ đều không hề có mặt ở Nam Dương bao giờ cả.
Nhưng giáo sư chưa kịp học khoa khảo tiền sử đúng thì không sao, chỉ có điều là
trong lời khuyên giáo sư có nói một câu rất là trái với điều mà khoa học đã biết rồi.
Giáo sư nói rằng tìm nguồn gốc từ phương Bắc mới đúng luật chung của nhân loại
(V.L.T.N. lúc còn đăng báo B.K.). Làm gì mà có cái luật chung ấy. Rõ ràng là dân Á
Rập đã từ Yémen, tức từ phương Nam, di cư lên Arabie Saoudite rồi di cư lên Bắc
Phi, lên Ba Tư, Ấn Độ, Tây Ban Nha v.v.