Ta thấy gì? Y như với danh từ Hala, ta thấy có nhóm lấy âm đầu, thí dụ Thái chỉ
lấy Phu, có nhóm chỉ lấy âm sau, thí dụ Cổ Ba Thục và Việt Nam chỉ lấy âm sau là
Non, có nhóm lấy trọn vẹn hai âm nhưng có biến dạng, thí dụ Phù Nam và Cao Miên.
Đặc biệt Việt Nam thì ta vừa biến Phunông thành Non, vừa biến Gunông thành
Gò Nổng.
Thói quen của chủng Mã Lai là thế về danh từ hoặc danh xưng. Mặc dầu ngôn ngữ
của họ nhị âm (có vài danh từ tam âm hiếm hoi), họ thường chỉ lấy một hoặc hai âm
mà thôi.
Danh tự xưng của họ cũng theo luật đó, từ cổ chí kim, thí dụ ở Hoa Bắc họ chỉ tự
xưng là Lai (thay vì Mã Lai) mà Tàu phiên âm sai là Lê, là Lạc, và rốt cuộc là Lai
vào đời Tây Chu, còn ở vài nơi khác, họ chỉ tự xưng là Mã, là Mạ.
Ở Nam Kỳ có một nhóm Thượng nay rút lên Cao nguyên Lâm Đồng, chỉ tự xưng
là Mạ (mà chúng tôi nghĩ rằng họ là người Phù Nam vì họ nói tiếng Mã Lai đợt II y
như Phù Nam) và sử Chàm cũng có cho biết rằng vào thời Trung Cổ người Chàm có
diệt một tiểu bang đồng chủng ở lối Phú Yên, Bình Định, tên là Mạ Đạ, hay Mã Đa.
(Mạ Đạ thì ở Nam Kỳ cũng có. Đó là tên một con sông của người Mạ mà nay dân
Biên Hoà biến thành Mã Đà).
Những điều trên và dưới đây đã được chúng tôi nói đến rồi, lại nói nữa ở đây và sẽ
nói nữa ở nơi khác. Khuyết điểm ấy, giới khảo cứu Âu Mỹ gọi là Redites, nghĩa là nói
đi nói lại một điều đã nói rồi.
Sở dĩ có Redites là vì một điều cần phải nói lại ở nhiều chương. Nhưng Âu Mỹ xén
bớt Redites, còn chúng tôi thì cố ý để nguyên vẹn hầu nhấn mạnh về các điểm mà
chúng tôi cho là quan trọng, và đó là các điểm then chốt lại dễ bị chìm mất trong năm
bảy trăm trang sách, cần đưa cao nó lên để chứng tích được nhớ rõ hoài hoài, hoặc để
xoá những ngộ nhận lâu đời nào đó mà chúng tôi nhứt định phải xoá bỏ.
Những Redites trong sách nầy làm cho văn của sách hoá ra kém cỏi, nhưng chúng
tôi không ngại vì bị chê viết văn dở, vì chúng tôi nhằm mục đích khác hơn là viết
văn.