Chỉ có các ông Tàu đời sau là lầm. Từ ngày ta thu hồi độc lập (Đinh Bộ Lĩnh) thì
ấn vàng mà vua Tàu ban cho ta đều có khắc hình con lạc đà.
Đó là một lối nói thầm của người Tàu rằng ta là Lạc bộ Mã, vì chữ Lạc trong “lạc
đà” viết với bộ Mã.
Tự dạng Lạc trong Việt sử cũng gây thành án như hai danh xưng Lạc vương và
Hùng Vương, và nay thì đã rõ. Không có ai viết sai cả, họ chỉ phiến diện mà thôi,
riêng Hậu Hán thư thì lại đồng nhứt với lối dùng tự dạng xô bồ. Trong một chương
sách, Phạm Việp viết lung tung với chữ Lạc nầy rồi với chữ Lạc nọ, xem như là ông
ấy không biết Lạc là gì hết.
Người Tàu biết Lạc rất rõ, trái với quan niệm của giáo sư Nguyễn Phương, ông cho
rằng tác giả Nam Việt Chí lúng túng vì không biết Lạc là gì, nên giải thích không ổn.
Chỉ phiền là ta chỉ tìm được có 4 nhóm Lê trong 9 nhóm. Nhưng các nhóm khác
chắc cũng chỉ là phụ chi mà thôi, và cái nhóm quan trọng nhứt nó giúp ta truy ra
được:
Lê = Lạc = Lai
là đủ cho ta lắm rồi.
Cũng nên biết rằng cái thứ người tồn tại ở Hoa Nam hiện nay, mà Tàu gọi là Lê,
thật ra chỉ là Lạc Lê mà thôi. Chúng tôi biết như vậy nhờ có học ngôn ngữ của người
Lê di cư đến Việt Nam.
Người Tàu phân biệt dân Hải Nam ra là Sanh Lê, tức Lê sống, tức Lê còn dã man,
và Thục Lê, tức Lê chín, tức Lê theo văn hoá Tàu. Người Thục Lê có di cư tới xứ ta
với danh nghĩa là người Tàu Hải Nam.
Lệ Đạo Nguyên, tác giả Thuỷ Kinh Chú, cho biết rằng người Lê ở Hải Nam giống
hệt người Nhựt Nam, mà người Nhựt Nam xét ra là người Lạc Lê. (Xin xem chương
Không có đế quốc Việt Nam).
Cả Lạc bộ Mã (Phúc Kiến) cũng chỉ là Lạc Lê vì những danh từ cổ mà Phúc Kiến
và Hải Nam còn giữ được giống hệt nhau. Đó là một thứ tiếng Mã Lai na ná tiếng
Chàm.