Thái, hoặc chủng Tạng như Tàu đã gọi, mà lại gọi là chủng Mã Lai, tức lấy
Mã Lai làm căn bản?
Là tại tất cả những danh xưng ấy đều chỉ cổ có lối hai ba ngàn năm, còn
danh xưng Mleech'a và Malayalam thì cổ đến 5.000 năm, tức danh xưng
Mã Lai có trước nhứt.
Lại thấy rằng tất cả bao nhiêu ngôn ngữ trên kia đều bắt nguồn từ Tạng
ngữ (xin xem Ngôn ngữ tỷ hiệu), và nhiều dân tộc như Khuyển Nhung,
Miến Điện, Cao Miên thì rõ ràng xuất phát từ chơn Cao nguyên Tây Tạng
mà họ cũng nói tiếng Mã Lai, ta có thể kết luận rằng Mã Lai chủng xuất
phát từ chơn Cao nguyên Tây Tạng, trái hẳn với các sách xưa cho rằng họ
xuất phát từ Nam Dương.
Tại sao lại không nói người Tây Tạng là dân Mleech'a hay dân Việt di cư
đến Tây Tạng mà lại nói dân nào cũng từ Tây Tạng xuất phát ra? Vì Tây
Tạng là một Cao nguyên khô cằn nhứt trong các địa bàn Mã Lai, đất đai còn
xấu hơn đất Ninh Thuận của ta nữa, thì không có dân nào lại dại mà di cư
đến Tây Tạng.
Tuy nói thế chớ những dân di cư túa ra khắp nơi chỉ là dân sống chung
quanh Cao nguyên Tây Tạng chớ không phải là dân của chính Cao nguyên
Tây Tạng, như ta sẽ thấy ở các chương khác. Nhưng những vùng đất ở
quanh Cao nguyên Tây Tạng cũng chỉ là đất rất xấu.
Tới đây, ta không còn phải khó chịu nữa khi nghe ông G. Coedès gọi
người Thượng ở Cao nguyên khi thì bằng danh xưng cổ Mã Lai, khi thì
bằng danh xưng Dravidien.
Ông G. Coedès không bao giờ giải thích tại sao ông dùng danh từ quá xô
bồ như vậy, nhưng rõ ra thì Dravidien Nam Ấn và Thượng là một, tức đồng
chủng Cổ Mã Lai với nhau.