Nhưng chắc sử gia đã đổi quan niệm, sau khi xem qua vài thí dụ về danh
từ Lá và Non ở đầu sách nầy. Nếu sử gia lại còn chưa đổi ý thì xin cứ xem
hết chương nầy thì rõ.
Sử gia Nguyễn Phương nói rất đúng rằng trên đường Nam Tiến ta, tức là
theo sử gia thì là người Tàu đấy, có mượn tiếng “Mọi”, nhưng không nên kể
đến.
Vâng, nhưng người Tàu tự xưng là Việt mượn tiếng Mọi để chỉ những
vật lạ như Cây Dừa mà bên Tàu không có chẳng hạn, chớ sao lại bỏ danh
từ Xùi của đại quốc Trung Hoa, rồi mượn danh từ Nước làm gì?
Không có lý nào mà như vậy hết.
Biết trình độ văn hóa của ta dưới thời Mã Viện thì có thể dựng lên được
một ngữ vựng Việt vào thời ấy. Chắc ta chưa biết lịch, thì danh từ lịch mới
có thể là gốc Trung Hoa, chớ ta đã có biết cái Bàn tay rồi thì danh từ Bàn
tay hẳn phải là của ai đó, tức của tổ tiên ta, chớ không thể nào mà là Trung
Hoa, cũng không thể nào mà Trung Hoa bỏ danh từ Chưởng của họ để
mượn danh từ Bàn tay của “Mọi”.
Chúng ta đã thấy có trường hợp một chủng tộc mất ngôn ngữ của mình
và dùng ngôn ngữ của nước khác, nhưng luôn luôn kẻ yếu mất và kẻ cho
vay là kẻ mạnh.
Người Tàu di cư, nếu có, là kẻ mạnh, là dân văn minh, thì khi họ ly khai
với chính quốc của họ tại Giao Chỉ, theo quan niệm của sử gia Nguyễn
Phương, không thế nào mà họ để mất ngôn ngữ của họ, đi mượn ngôn ngữ
“man di”, mượn những danh từ thông thường mà họ đã có rồi như ăn, uống,
ngủ, v.v.
Vậy khi ngôn ngữ căn bản của ta không phải là ngôn ngữ Tàu thì chắc
chắn rằng là ta không phải là người Tàu.