Tây lịch, còn vào cổ thời thì cả họ lẫn ta đều không có kép, không có
chuyển hóa gì cả, vì cả hai đều không có dịp diễn những ý niệm phức tạp.
Chỉ khác nhau có hai điểm ấy mà thôi, còn có hai Xy láp thì chúng tôi sẽ
trưng bằng chứng là tiếng Việt lối cổ có hai Xy láp, còn đa thanh là một tai
nạn xảy ra cho độc một dân tộc ta mà thôi, vì địa bàn Bắc Việt tạo tai nạn
đó ra, trên thế giới không nơi nào có cả. Nhưng đừng tưởng là Mã ngữ chỉ
có độc một thanh. Cả Mã ngữ, Nhựt ngữ và Chàm ngữ đều có dấu sắc, dấu
huyền, dấu hỏi, dấu nặng, họ chỉ thiếu dấu ngã mà thôi, và họ ít bỏ dấu hơn
ta, nhưng vẫn có bỏ các dấu kể trên, và Nhựt Bổn bỏ dấu nặng rất nhiều.
Những thuyết về ngôn ngữ Việt Nam của các ông Tây, ông Việt đều rối
loạn khiến ta phải điên đầu:
Ông Kari-Himly cho rằng tiếng ta có bà con với tiếng Môn.
Ông H. Maspéro bỏ Việt ngữ vào bộ Thái ngữ.
Ông E. Souvinget cho rằng tiếng ta có liên hệ đến Mã Lai.
Bs. Reynaud nhấn mạnh về ngữ vựng Miên, Việt giống nhau quá nhiều.
Sử gia Nguyễn Phương khẳng định tiếng ta là tiếng Tàu.
Giáo sư Lê Ngọc Trụ cố chứng minh 10 năm trước, lời khẳng định trên.
Sử gia Phạm Văn Sơn kết luận rằng Việt ngữ và Việt chủng là một chủng
tộc và một ngôn ngữ riêng biệt.
Một dân tộc cường sinh nhứt Đông Nam Á là dân tộc Việt Nam mà lại
không có ngôn ngữ riêng, đi lượm của đầu nầy một ít, đầu kia một mớ, để
ráp lại làm ngôn ngữ của mình là chuyện không thể có được.
Các ông Tây, giống hệt các anh mù thấy con voi. Một anh sờ phải tai voi,
cho rằng con voi giống cây quạt, một anh sờ phải chơn voi, bảo rằng con
voi là cây cột, anh khác mò vào vòi voi, quả quyết rằng voi là một con đỉa
lớn. Truyện tiếu lâm của ta rất là ý nhị.