Sử dụng danh từ như thế đó, chỉ làm rối ren vấn đề, chớ không soi sáng
nó chút nào hết.
*
* *
Sử là một khoa học. Nếu có những cuốn sử hay về văn chương thì nó
cũng được xem là những văn phẩm, nhưng không mất, và không được phép
mất tánh cách khoa học của nó, tánh cách nầy quan trọng hơn tánh cách văn
chương nhiều lắm vì một quyển sử văn hay đến đâu mà viết sai sự thật thì
chẳng còn giá trị nào, trong khi một quyển sử đúng sự thật một cách khoa
học mà văn dở, vẫn còn đủ giá trị một quyển sử quan trọng.
Với Michelet, thiên hạ sắp môn sử vào văn học, nhưng với Augustin
Thierry thì quan niệm của thế giới đã khác rồi. Ngày nay mặc dầu sử cứ còn
được giảng ở các phân khoa văn khoa, ở bất cứ nước nào cũng thế, nhưng
người ta vẫn xem nó là một khoa học gần như là chính xác, hay có tham
vọng vươn tới sự chính xác.
Khoa học cốt đúng sự thật không gây ngộ nhận, chớ không ham cạnh
tranh với văn chương.
Là khoa học, môn sử phải có căn bản và tiêu chuẩn khoa học.
Giáo sư Kim Định đã gây ngộ nhận (Việt lý tố nguyên) làm cho nhiều
người tưởng lầm rằng chỉ dùng khoa học để viết sử không còn hợp thời nữa,
và ở Âu Mỹ, người ta dùng huyền thoại và truyền thuyết.
Làm gì có chuyện ấy. Những quyển sách mà giáo sư ám chỉ đến, chúng
tôi đều có đọc, giáo sư đọc Granet nhiều nhứt, chúng tôi cũng đọc Granet
nhiều nhứt. Và chính Granet khoa học triệt để đó chớ. Họ chỉ bổ túc những
điểm sử thiếu tài liệu chính xác bằng truyền thuyết và huyền thoại, chớ họ
không bao giờ dám đặt Mythos lên trên Logos cả.