tùy nơi. Như ở Việt Khê thì xưa sao nay vậy vì phù sa không phải nằm bất
kỳ ở đâu, dọc theo bờ biển, mà tùy thuộc dòng nước biển ngầm rất nhiều.
Trường hợp điển hình nhứt là sông Cửu Long. Sông ấy đưa phù sa ra
biển còn nhiều hơn sông Hồng Hà nữa. Thế mà theo nghiên cứu của ông
Malleret thì đất ở các cửa biển Cửu Long từ xưa đến nay không được bồi
thêm chút nào cả!
Vậy phù sa ấy đi đâu? Nó đánh một vòng thật lớn, đi qua khỏi mũi Cà
Mau rồi nó mới tấp vô bờ, nhờ ảnh hưởng của gió mùa Tây Bắc tại miền
Nam nước Việt.
Nhưng nếu ông Lê Văn Siêu không có học địa chất Việt Nam, ông cũng
có thể biết được rằng ông sai lầm, bằng vào những đoạn sử Tàu đã được
phổ thông từ lâu rồi.
Hậu Hán thư cho biết rằng thuở Mã Viện tới, tức sau khi người Đông
Sơn được chôn có 31 năm, thì dân Giao Chỉ đã giỏi làm ruộng, còn dân Cửu
Chơn thì còn săn bắn và câu kéo.
Thanh Hóa thuộc Cửu Chơn. Làm thế nào mà trung tâm lại nằm ở cái nơi
mà dân chưa biết trồng trọt, chớ không phải ở cái nơi mà dân đã giỏi làm
ruộng.
Hậu Hán thư lại cho biết rằng luật pháp của Giao Chỉ khác luật pháp Tàu
đến 10 điều. (Thành ngữ Tàu “Khác 10 điều, có nghĩa là mỗi-mỗi mỗi
khác). Thế nghĩa là Giao Chỉ đã có luật pháp, còn Cửu Chơn thì không?
Sao trung tâm lại nằm ở nơi man dã được?
Trên đây chỉ là suy luận, nhưng suy luận cũng là một yếu tố mà phương
pháp học thường dùng, khi nào không có tài liệu.