Tưởng mấy trường hợp nêu ra trên đây đủ chứng minh giá trị không thể
chối cãi của phương pháp học mà nếu bỏ học đi, hoặc mềm dẻo một chút là
các nhà khảo cứu sẽ phải đi từ sai lầm nầy đến sai lầm khác.
Khoa học cho phép lập giả thuyết, khi nào tuyệt đối không có tài liệu.
Nhưng lập xong, phải kiểm soát giả thuyết bằng những sự kiện khác xem có
ăn khớp với giả thuyết đó hay không. Việc lập giả thuyết thì quá dễ, nhưng
kiểm soát thì khó khăn vô cùng, chính vì việc kiểm soát đòi hỏi phải biết
quá nhiều việc khác.
Ông Lê Văn Siêu, ở trang 114 đã lập ra cái giả thuyết nầy là loạn Chiến
Quốc bên Tàu, đã khiến một số hảo hán Trung Hoa chạy trốn sang Thanh
Hóa (cũng cứ Thanh Hóa) và chính bọn ấy đã dạy vua An Dương Vương bí
quyết chế tạo nỏ.
Ông Lê chứng minh giả thuyết đó bằng luận cứ nầy: tại sao khi thua
Triệu Đà, An Dương Vương không chạy đi hướng nào khác mà chạy về
phía Thanh Hóa, có phải chăng là để tìm các tay hảo hán đó? Ta thử kiểm
soát lại xem:
1. Vua An Dương Vương làm thế nào để chạy hướng khác được?
Bắc là Triệu Đà, Đông là biển cả, Tây là nước nào đó, vào thuở ấy,
cái nước có nền văn minh cánh Đồng Chum ấy chăng? Ông ta chỉ
còn hướng Nam là đất Cửu Chơn, tức đất Việt, thì ông không chạy
về đó sao được, chớ nào phải để tìm hảo hán tưởng tượng nào đâu.
2. Trong chương Ngôn ngữ, chúng tôi sẽ chứng minh rằng cái Nỏ là
phát minh của chủng Mã Lai Bách Việt và Trung Hoa đã học của
Mã Lai Bách Việt tại đất Kinh Man, cách chế tạo vũ khí đó cả danh
từ Nỏ của Trung Hoa cũng là phiên âm danh từ Pnả của Mã Lai
nữa.
Nhưng mà, phải biết tiếng Mã Lai, và biết khoa chiết tự để tìm nguồn gốc
của tự dạng Nỏ của Tàu, như vậy hơi nhọc trong việc kiểm soát giả thuyết