Đó là một cái tên hỗn loạn mà người Việt đã phiên âm bậy bạ chớ vương
hiệu và tên cúng cơm của ông ấy không phải là thế.
Về Vương hiệu, thì ta nhìn nhận, vì các nhà khảo cổ Pháp đã cho biết
đúng Vương hiệu của Chế Bồng Nga là gì.
Còn về tên cúng cơm của ông ấy, không ai biết cả. Người Việt Nam đã
phiên âm danh từ Phạn Cri thường được đặt trước Vương hiệu các vua Cao
Miên, Phù Nam và Chàm, thành ra là Chế.
Tới đây thì đã ổn. Nhưng người Việt Nam thuở đó lại không biết cả
vương hiệu của ông ấy nữa chớ đừng nói là tên cúng cơm vì hai bên cắt đứt
liên lạc ngoại giao với nhau tức khắc khi ông ấy lên cầm quyền.
Người Việt tưởng Chế là Vua (và cũng đúng phần nào) nên thêm vào đó
là tên nước, mà tên nước của Chàm là Bônga Chămpa, tức Bông Sứ, Bông
Đại, để diễn cái ý Vua của Chàm.
Vậy vì không biết, nên Việt gọi ông ấy là vua của nước Bônga Chămpa.
Nhưng quá dài, nên Việt tự ý bỏ Chămpa, chỉ còn Chế Bônga mà thôi.
Mà Việt thì đã bị Hoa hóa sâu đậm rồi, viết Bônga thành chữ Nho không
được nên lại tự ý biến Cri Bônga thành Chế Bồng Nga, hai tiếng Bồng Nga
thì viết bằng chữ Nho được mà cũng không xa Bônga lắm.
Vậy đó là ba tiếng phiên âm, nhưng chỉ có tiếng đầu mới dính líu đến
vua, còn hai tiếng sau thì dùng để trỏ tên nước vì họ không biết tên vua,
cũng không biết vương hiệu, tức hai tiếng phiên âm sau chẳng dính líu gì
đến tên hay hiệu của ông đó cả.
Một lần nữa, ta thấy rằng tiếng Chàm Ninh Thuận không phải là tiếng
Chàm chánh hiệu, mà có thể chỉ là ngôn ngữ Phù Nam vì như đã nói, lãnh
thổ Phù Nam ăn ra tới Khánh Hòa.