Câu sử nầy cũng sai tuốt. Người Thượng ở Cao nguyên và người Chàm
đích thị là người Cổ Mã Lai đồng chủng với ta và cùng ta di cư xuống Cổ
Việt một lượt với nhau, nhưng họ chiếm địa bàn bất lợi nên họ không tiến,
sau đó họ lại không có thọ lãnh văn hóa của Tàu như ta, hoặc văn hóa Ấn
Độ như Chàm để mà tiến thật mạnh như ta và Chàm. Nhưng mặc dầu sai,
ông G. Cocdès vẫn có mạch lạc từ đầu đến cuối vì ông có tinh thần khoa
học, chớ không mâu thuẫn lung tung như ông Lê Văn Siêu trong một câu
thật ngắn. Và ông G. Cocdès đã tự đính chánh ông. Hai mươi năm sau,
trong một quyển sách ra đời năm 1962, nhưng ông Hoàng Trọng Miên
không hay biết lời đính chánh đó.
Theo phương pháp khoa học, phải kiểm soát lại giả thuyết, điều mà ông
Lê Văn Siêu không có làm. Chúng tôi kiểm soát thì thấy như sau: Cuộc
kiểm tra dân số của Mã Viện cho biết ở Giao Chỉ có 92.440 nhà, ở Cửu
Chơn có 37.743 nhà.
Riêng huyện Tây Vu của Giao Chỉ đã có số nhà gần bằng toàn quận Cửu
Chơn là 32 ngàn nhà. Như vậy, Đông Sơn, thuộc Cửu Chơn, không thể là
trung tâm của nền văn minh Lạc Việt được vì luôn luôn trung tâm nằm giữa
nơi nào đông dân cư nhứt.
Vậy nếu không hay biết những cuộc khai quật liên tiếp nói trên, nếu
không có đọc Hậu Hán thư, ông Lê Văn Siêu vẫn có thể kiểm soát kết luận
của ông bằng cách đọc sử từ thời Mã Viện. Nhưng vì bất chấp khoa học,
nên ông không có kiểm soát, vì sự kiểm soát là một yếu tố của cái khoa học
mà ông không nhìn nhận.
Ông có ám chỉ sơ đến một cuộc dời đổi trung tâm từ Thanh Hóa đến Bắc
Việt, nhưng không có bằng chứng, mà trái lại có bằng chứng ngược hẳn bao
nhiêu cổ tích và ca dao của ta đều lấy khung cảnh núi Tản sông Đà, chớ
không phải khung cảnh Thanh Hóa trừ một chuyện truyền thuyết độc nhứt
là truyện đền Thần Đồng cổ ở núi Khả Lao.