Cho đến năm 1965 mà giáo sư đại học Nguyễn Phương còn đòi hỏi bằng
chứng rằng Mã Lai Đông Sơn = Việt, thì ta phải nghiêng mình trước
phương pháp học vậy, và phải tìm bằng chứng vậy.
Ông Lê Văn Siêu phàn nàn những nhà bác học ở Viện Viễn Đông Bác Cổ
đo tài con người bằng uy tín bằng cấp. Sự thật thì không hề có vấn đề bằng
cấp trong đó. Quả họ có bằng cấp cao thật đó, nhưng mà đó là bằng luật
khoa, y khoa hay gì gì khoa, chớ không ông nào có bằng cấp khảo cổ, bằng
ngôn ngữ cả, và thế giới đánh giá họ trên giá trị của công trình khảo cổ của
họ, chớ những bằng cấp mà họ có, chẳng dính líu gì tới công việc của họ
hết. Họ phần lớn là những người tự học trong bộ môn mà họ đeo đuổi. Ông
Parmentier là một kiến trúc sư mà khoa kiến trúc đâu có là bằng cấp khảo
cổ bao giờ?
Ông Lê lại nói rằng những thuyết của họ quá trống đánh xuôi kèn thổi
ngược nên không có gì đáng cho ta phải bận tâm tới.
Không rõ ông Lê Văn Siêu có theo dõi những công trình khảo cổ ở Âu,
Mỹ, Phi v.v. hay không. Không có vấn đề nào mà không đẻ ra ít lắm là 5
thuyết khác nhau, chớ không phải chỉ ở xứ ta mà thôi đâu. Nhưng rồi chỉ có
một thuyết là đúng và vững nhứt về mặt khoa học, và sự đúng nầy được
nhiều kiểm soát, nhiều thử thách do các nhà bác học khác thử lửa nó, chớ
không phải thiên hạ nhận nó đúng vì tình cảm nào hay quyến rũ nào.
Ngay nhà Nho Nhượng Tống không thông khoa học mà còn phải nhìn
nhận rằng không sao tránh được có nhiều thuyết xuôi ngược vì “Tài liệu
của sử học nguyên là một mớ lẫn lộn vàng thau. Sự lựa lọc thực là một
chuyện trăm nghìn khó, nó khó đến nỗi khoa học phải định phương pháp
hẳn hòi, vậy mà không phải ai ai cũng sáng suốt, cũng cẩn thận, đủ sức để
theo những lời chỉ bảo ấy cho có kết quả” (Trích một lời bình trong bản
dịch Sử ký của Tư Mã Thiên).