giống người ở đâu, chớ không như ở Ấn mà hai tiểu bang giáp ranh với
nhau nói chuyện với nhau không được vì ngôn ngữ bất đồng.
Nếu không có Trương Nghị, Tô Tần như có người đã nói thì hẳn phải có
các nhà du thuyết khác, và các nhà đó đều hoạt động được như Tô Tần, tức
ở Triệu ăn nói cũng lưu loát mà sang Tần ăn nói cũng lưu loát.
Ta cứ xem Đào Duy Từ của ta thì hình dung ra được các nhà du thuyết
Tàu thuở đó. Đào Duy Từ sở dĩ phục vụ chúa Nguyễn được ngay là nhờ
ông đồng ngôn, đồng phong tục với chúa Nguyễn, có khác nhau đôi chút,
cũng không vì thế mà thấy rằng khác nhau. Chúa Nguyễn dùng Đào Duy
Từ được, nhưng chưa chắc đã dùng Dương Ngạn Địch được.
Dĩ nhiên là vẫn có chiến tranh giữa các thị tộc (hậu) để thống nhứt, như
chiến tranh giữa các bộ lạc, ở các quốc gia khác, nhưng hậu nầy vẫn giống
hậu kia, chớ không quá khác nhau như bộ lạc nầy khác bộ lạc kia.
Ấn Độ ngày nay còn hơn một trăm phương ngữ chính vì họ có qua giai
đoạn bộ lạc, còn Tàu thì chỉ có phương âm (prononciation régionale) mà
không có phương ngữ bao giờ. Các quốc gia gọi là man di bị thôn tính,
đáng lý gì có phương ngữ, nhưng vẫn không có được vì nỗ lực đồng hóa và
thống nhứt của các trào đại Trung Hoa quá thẳng tay và khe khắt, nên đã
thành công.
Lợi thế đó, tưởng trên thế giới, chỉ có độc dân tộc Trung Hoa là được
hưởng mà thôi.
Thời Chiến quốc bên Tàu chỉ diễn ra có mấy trăm năm là họ thống nhứt
được xứ sở. Sách ta cứ than là cốt nhục tương tàn lâu quá, mà không dè
rằng chính là quá nhanh, vì ở các quốc gia khác, nhỏ hơn nhiều mà muốn
thống nhứt, phải tốn một ngàn năm, còn ở Ấn thì tốn 4.500 năm rồi mà vẫn
chưa thống nhứt.