Nhà Tần chỉ cấm thay đổi Thị chớ không có ý tiêu diệt Thị, chính thời đại
Chiến quốc mới là tiêu diệt Thị.
Nhưng cũng chính vào thời Chiến quốc, danh từ Tánh xuất hiện, đồng
nghĩa với Thị, tức đó là tên của các dòng tộc, cái mà tiếng Việt gọi là Họ.
Cái Họ ấy, ngày nay Trung Hoa gọi nó là Tánh, nhưng xưa họ gọi là Thị.
Danh từ Tánh chỉ mới xuất hiện lần đầu trong Xuân Thu của Khổng Tử mà
thôi, chớ trước đó, thư tịch Trung Hoa chỉ có Thị chớ chưa có Tánh.
Tánh xuất hiện, nhưng Thị chưa mất, bằng chứng là còn Lã Thị Xuân
Thu, của Lã Bất Vi, một nhơn vật có Tánh là Lã.
Tại sao cả hai đều đồng nghĩa, mà khi từ mới xuất hiện từ cũ không mất?
Là vì tuy đồng nghĩa, nhưng có khác nhau đôi chút.
Khi một Thị phát triển ra quá lớn thì hết đất, một số người tách rời đi
kiếm ăn ở một địa bàn mới, không liên lạc với địa bàn cũ nữa, nên lấy tên
của Thị khác đi, nhưng còn vọng tưởng Thị cũ, gọi tên nhóm mình là Tánh
nhưng còn cho Thị một chỗ ngồi.
Nói rõ hơn là những nhóm tách rời thị tộc quá lớn để đi lập nghiệp riêng
mang đến hai cái họ, cái Thị và cái Tánh. Thí dụ một nhóm của Thị tộc Uất
tách ra đi lập nghiệp xa, lấy Thị khác là Đào, nhưng cứ giữ Uất. Thế nên cái
Họ là Uất Đào, chớ không phải là Uất mà cũng chẳng là Đào, gọn lỏn.
Nhưng không phải những gia đình tách rời đều luôn luôn vọng tưởng
bằng cách lấy hai từ, mà có gia đình chỉ sáng tác một từ đơn giản, miễn
khác với đại tộc cũ mà thôi.
Chính những thị tách rời mà không đèo bồng Thị cũ, đã thoát chết vì cái
Tánh của họ chỉ là một tên tân tạo, không dính líu với Thị lớn nào cả để có
thể bị diệt vì bị truy nguyên là mang dòng máu của cái Thị cần phải diệt.