Họ được xem là một gia đình nhỏ, riêng biệt, không có gì đáng sợ mà phải
giết chết họ. Diệt là diệt các dòng tộc lớn, chớ người ta phải tha gia đình
riêng rẽ và cá nhân, như thế trong nước mới còn dân. Chúng tôi hẹn giải
thích tại sao khi chỉ còn có 7 chư hầu mà cứ còn nhiều trăm họ, là như thế
đó.
Hơn thế cái trò bắt tù binh đem về, cho lấy họ của kẻ thắng trận, không
xảy ra nữa vì khi mà các hậu đông năm trăm người bị diệt hết rồi, tất cả đều
biến thành chư hầu tương đối lớn, to hơn cả huyện thì không có vấn đề bắt
hết kẻ sống sót nữa, cứ để họ ở yên chỗ cũ làm thần dân, và họ tự do giữ họ
cũ của họ.
Thị và Tánh sống chung như vậy một thời gian khá dài và cứ có nghĩa là
cái Họ.
Thật đúng ra thì Tánh có trước Khổng Tử nữa kia, chớ không phải chỉ
vào thời Khổng Tử. Nhưng vào thời Khổng Tử thì Thị bắt đầu lui bước thật
sự, để rốt cuộc còn Tánh không mà thôi.
Và có một thời, thời chuyển tiếp mà Thị và Tánh bị lẫn lộn với nhau, đó
là cuối đời Chu. Thí dụ: Lã Thị (Xuân Thu), Thị, trong trường hợp đó là
Tánh rõ ràng.
Ta cần tóm tắt lại những gì có vẻ hơi lộn xộn, vừa được trình bày.
1. Hậu là tổ hợp những gia đình đồng tông, lấy tên chung làm danh
xưng và cái danh xưng ấy được chỉ bằng danh từ Thị. Thí dụ Thị
tộc Dư. Danh xưng của nhóm đó là Dư, Thị tộc là danh từ chỉ cái
danh xưng của dòng tộc ấy.
2. Hậu chỉ là đại tộc có tầm vóc khác thường, to bằng cả một tổng của
ta.
3. Gọi cả thảy các thứ ấy là bộ lạc thì tạm được nhưng bảo rằng Hậu là
chư hầu là sai. Chư hầu của ai kia chớ? Vì chưa có vua.