Tây Khương thành Tàu rồi mà còn được phép lấy họ theo phương pháp Cao
Miên thì chắc là Tàu bắt ta lấy họ Trung Hoa vì mục đích khác hơn là mục
đích đồng hóa. Đành rằng họ cũng có đồng hóa nhưng với các phương pháp
khác.
Với người Cao Miên, vua chúa ta chỉ ngộ nhận, chớ cũng không phải
muốn đồng hóa bằng phương pháp đó. Còn với người Chàm thì vua chúa ta
có mục đích nào, thật khó mà biết.
Nỗ lực đồng hóa “man di” rất cần thiết dưới các trào Hạ, Thương, Chu
nhưng lại bị chê dưới trào Hán. Xưa, dân số ít, mà các chư hầu cần người
để thôn tính lẫn nhau thì họ mới ráng đồng hóa cho có người để dùng. Vả
thuở ấy Trung Hoa chưa hơn “Man di” bao nhiêu về mặt văn minh.
Tới đời Hán, ta thấy Giả Quyên Chi tâu xin vua Hán bỏ ý định chinh
phục man di vì cái lẽ man di không xứng đáng làm người Tàu (?)
Dân họ đã đông rồi, họ lại thống nhứt rồi, không cần người cho lắm nữa.
Hơn thế văn hóa họ đã lên quá cao, khiến họ ngao ngán cho sự cách biệt,
khó lòng mà thành công trong sự đồng hóa.
Dưới đời Tự Đức, thấy có chiếu bãi bỏ sự bắt người Chàm lấy họ Việt,
tức xưa kia đã có luật ấy, nhưng không rõ thâm ý của luật đó thế nào.
Nhưng có một sự thật nầy mà không ai biết là người Chàm đã tự động lấy
họ Trung Hoa trước khi ta bị xâm lăng. Mà như thế thì cái họ Trung Hoa mà
họ mang ngày nay, chưa chắc đã do vua chúa ta bắt ép.
Những họ Tàu mà người Chàm Ninh Thuận, Bình Thuận hiện nay đang
mang, toàn là họ Tàu mà Việt Nam rất ít theo, như họ Từ, họ Đồng, họ Bá,
họ Bảo, họ Đàng, v.v.
Ta cũng lấy họ Tàu, nhưng lấy những họ khác hơn. Đành rằng cũng có
người Việt họ Từ, nhưng rất hiếm.