Về cái Họ của người Chàm, cũng cần biết thật rõ.
Vài nhà học giả ta và Tàu cho rằng những Phạm Văn, Phạm Dương Mại
của Chàm buổi đầu mà họ còn lấy tên nước là Lâm Ấp thật ra không phải là
Phạm, mà chỉ là Brahma của Ấn Độ phiên âm ra như vậy. Đó là một lối
hiểu độc đáo để nghe cho có vẻ uy tín vì biết nhiều, nhưng không đúng.
Phạn ngữ có ba danh từ như sau:
1. Brahman, có nghĩa là Thái Cực, Vô Vi, y hệt như của Tàu.
2. Brahma, mà Tàu dịch là Phạm Thiên, tức là trời của Ấn.
3. Brahmane, tức là người của giai cấp giáo sĩ Bà La Môn.
Hai danh từ đầu thì loài người không được chạm đến. Danh từ thứ ba thì
chỉ có giai cấp giáo sĩ đó mới được lấy, còn nhà vua (kể cả vua Ấn Độ)
cũng không được lấy. Vua Ấn Độ chỉ thuộc giai cấp hạng nhì trong nước
Ấn, là giai cấp Kshatriays mà thôi và vua Phù Nam, vua Lâm Ấp là vua học
trò của họ mà làm gì trèo đèo lấy danh từ thứ ba đó để làm Vương hiệu?
Vả lại đọc cổ thạch bia của họ, cũng chỉ thấy họ tự xưng là Varman, chớ
không hề có ông nào dám tự xưng là Brahma bao giờ hết, bất kỳ quốc gia
Đông Nam Á nào, mà vua Ấn Độ cũng không có ông nào dám tự xưng là
Brahma hết. Mà Varman thì không hề được Tàu phiên âm là Phạm.
Thế thì những họ Phạm ấy là họ Tàu thực sự, nhưng chính các ông Tàu
lại giải thích rằng Phạm đó là Brahmane vì các ông không biết gì hết về cổ
thời của Hoa Nam và của Chàm: dưới các đời Hán, Tần, người Tàu Hoa
Nam vốn là Mã Lai đợt II, còn biết tiếng Mã Lai, và chính bọn ấy đưa văn
hóa và các họ Tàu xuống hai nước Chiêm Thành và Phù Nam mà dân cũng
nói tiếng Mã Lai đợt II.
Như đã nói, cho đến đời nhà Nguyên mà Hoa Bắc còn gọi Hoa Nam là
man di, thì biết dưới các trào trước, Hoa Nam còn biết tiếng Mã Lai hay
không.