Hiện nay (1970) tại Bình Thuận và Ninh Thuận có rất đông người Chàm
mang họ Từ. Ta cứ ngỡ là họ bắt chước ta, nhưng bằng vào câu chuyện của
Thích Đại Sán thì họ đã lấy họ Từ từ thuở họ còn độc lập.
Lại còn Ông Ích Khiêm nữa. Ông Ích Khiêm là người Chàm phục vụ cho
vua Lê chúa Trịnh. Nhưng họ ÔNG là một họ rất hiếm có của Tàu mà Việt
Nam không có mượn. Thế nghĩa là dòng họ Ông Ích Khiêm đã mượn thẳng
cái họ ÔNG của Tàu.
Thế thì mặc dầu chọn văn hóa Ấn Độ, họ vẫn lấy phần nào văn hóa Tàu.
Về cái Họ thì không chắc là họ chỉ vay mượn suông, mà có lẽ do hôn
nhơn.
Câu chuyện của nhà sư Thích Đại Sán là câu chuyện hôn nhơn giữa một
người đàn ông Chàm và một người đàn bà Tàu. Đây là một sự lạ, vì phụ nữ
Trung Hoa chê ta man di, không lấy ta làm chồng, nhưng lại không chê đàn
ông Chàm. Chuyện đó có thể đúng sự thật vì người Chàm theo chế độ mẫu
hệ, phụ nữ có nhiều quyền, thì họ lấy chồng Chàm vì quyền lợi.
Hơn thế trong xã hội Chàm có giai cấp mà giai cấp chiến sĩ là giai cấp
hạng nhì, ngang hàng với giai cấp của nhà vua, chỉ kém giai cấp Bà La Môn
có một bực. Thế thì lấy chồng chiến sĩ Chàm là lấy quý tộc Chàm vậy.
Và vì theo mẫu hệ, con cái lấy họ mẹ là họ Trung Hoa. Không có vay
mượn ở toàn quốc vì còn người Chàm mang họ Chàm, nhưng vẫn có người
mang họ Tàu là vì bà mẹ là người Tàu, sự kiện đó xảy ra trước khi họ bị ta
xâm lăng.
Còn một lý do nữa khiến phụ nữ Tàu lấy chồng Chàm rất dễ, mà chúng
tôi đã nói rồi, lại phải nói nữa ở đây, và sẽ nói nữa ở một chương khác. Đó
là một sự kiện không ai biết cả: Họ đồng ngôn ngữ với nhau, vào thuở đó.
Đây là một tiết lộ làm ngẩn ngơ người đọc sử vì ai cũng biết Chàm là Mã
Lai, sao lại đồng ngôn với Tàu. Nhưng sự thật là thế.