* *
Tinh thần khoa học rất cần trong một công việc khoa học, ai cũng biết
thế, nhìn nhận rằng là đúng, nhưng thường thì người ta bị chủ quan và định
kiến đưa vào chỗ lạc lối mà không hay biết.
Nhan sách, chúng tôi đề là như thế, là đề sau khi viết sách xong, chớ thật
ra thì khi bắt tay vào việc, chúng tôi không có một ý kiến nào cả về nguồn
gốc của tổ tiên ta, hay nói cho đúng ra là có, nhưng chúng tôi không nhận.
Chúng tôi đã bị những ông H. Maspéro làm cho chúng tôi ngỡ rằng dân ta
thuộc một chủng riêng biệt, phát tích tại chỗ, những ông L. Aurousseau làm
chúng tôi ngỡ rằng ta là hậu duệ của Câu Tiễn, những ông Nguyễn Phương
làm cho chúng tôi ngỡ rằng ta là Tàu thuần chủng, những ông Kim Định
làm cho chúng tôi ngỡ rằng ta là con cháu của Thần Nông.
Nhưng rồi chúng tôi đều bất kể những ông ấy, tự tẩy não mình để học hỏi
và tìm tòi với một cái đầu trống không thành kiến, và chúng tôi đã đi đến
cái đích Mã Lai. Nhan sách, chừng ấy mới được viết ra, và chính chúng tôi
là kẻ kinh ngạc đầu tiên về khám phá của chúng tôi.
*
* *
Các chương sách, viết xong, phải được sắp xếp lại cho có một trật tự hữu
lý, một mạch lạc có khả năng dẫn dắt, thế nên người đọc có cảm giác y như
là chúng tôi đã biết trước mình muốn đi tới đâu, và biết sẵn nơi xuất phát
của mình, nhưng lúc làm việc thì không phải thế.
Trong thời gian làm việc, chỉ có những ghi chép xô bồ, ghi chép nầy
không dính líu tới ghi chép khác, gặp gì đọc nấy, gặp chi tiết nào quan trọng
thì giữ lại, chẳng biết để làm gì, sau thoáng thấy sự thật rồi, mới kiểm điểm
và kiểm soát lại, rồi mới cho một trật tự thành hình.