Nếu họ là phụ chi của ai thì họ phải là phụ chi của Lạc bộ Trãi, chớ
không thể của Khơ Me. Cứ bằng vào lộ trình di cư của họ, không thể nào
mà ta quan niệm được rằng họ là bạn đường của Munda và Môn, mà phải là
bạn đường của Lạc Việt.
Lịch sử của Thượng Việt, trừ hai nhóm Ra Đê và Gia Rai, có thể viết
được ở đại cương. Bằng vào nhạc khí Darlac, ta biết rằng họ có mặt ở Cao
nguyên cả trước khi Mã Lai đợt I ở Trung Việt bị đánh đuổi lên đó, tức từ
5.000 năm rồi. Như vậy thì Lạc bộ Trãi không chỉ có ghé Cổ Việt như tiền
sử học cho biết, mà có ghé khắm nơi ở Đông Pháp, mà chứng tích thấy
được ở Darlac, ở Cao Miên hiện nay, ở Ai Lao, ở Biên Hòa, còn ở Trung
Việt thì chưa thấy. Nhưng chưa thấy không có nghĩa là không có.
Ở Đông Pháp, họ gặp Lạc bộ Chuy (Môn) tại bắc Thái Lan và Cao Miên
nay (người Thái Lan, mà cả người Khơ Me cũng chưa di cư tới). Nhưng ở
đó họ không dựng nước được thì thật là khó hiểu vì đất Cao Miên nay là đất
đủ điều kiện cho họ dựng nước. Nhưng chưa chắc họ đã không có nước, chỉ
vì nước của họ xuất hiện trước khi Trung Hoa xuống đó, tức trước đời Hán,
nên không ai biết đó thôi, còn bọn Mã Lai đợt II tới cướp đất của họ thì lại
quá kém, không có sử để cho đời sau biết là họ đã diệt nước cũ nào. Nhưng
bằng vào ngôn ngữ của họ ta bắt gặp được danh từ vua, chúa, thì ta suy
đoán được là họ đã có nước.
Ta chỉ biết có bấy nhiêu đó thôi về họ, nhưng cũng đã là một cuộc khai
quang Đông Nam Á mà trước đây ta hoàn toàn mù tịt về những gì xảy ra
trước năm 1.
Nhưng về người Mường, ta biết rõ và chắc hơn nhiều, và xã hội Mường
đã soi sáng thượng cổ sử ta, đó là cái may hy hữu mà một nhơn chứng của
thời Hùng Vương còn sống sót, để cho ta biết Hùng Vương là ai, liên hệ thế
nào với người Mường.