Cho đến nay, không ai biết người Mường đích xác là thứ người nào, một
thứ dân nào đó còn kém mở mang, đã chịu ảnh hưởng của Việt rất nhiều,
hoặc đó là dân Việt cổ thời, vì ở núi rừng, không bị Hoa hóa, nên còn giữ
được nếp sống của thời Mã Viện?
Nhưng khoa ngôn ngữ tỷ hiệu cho ta biết thật đúng họ là ai.
Họ là bọn bổ sung cho dân của vua Hùng Vương, tức bọn Mã Lai đợt II,
chớ không còn gì bí mật nữa hết.
Sống chung với nhau từ 2.500 năm nay, dĩ nhiên là cả hai đợt đều giống
nhau, tuy nhiên người Mường còn giữ được thật đúng một số danh từ mà
người Mã Lai Nam Dương đang nói.
Xin nói thật rõ về chỗ nầy. Chính người Việt Nam cũng đã dùng ít lắm là
40 phần trăm danh từ riêng của Mã Lai Nam Dương, cộng vào đó 40 phần
trăm danh từ chung của hai đợt như Lá chẳng hạn.
Nhưng họ vẫn có 20 phần trăm danh từ riêng của đợt I mà Mã Lai Nam
Dương tuyệt đối không biết.
Người Mường cũng giữ được lối 20 phần trăm danh từ của đợt II, tức của
Mã Lai Nam Dương, mà Việt Nam tuyệt đối không biết.
Chúng tôi xin đơn cử ra hai danh từ Mường mà người Việt tuyệt đối
không biết, mặc dầu một trong hai danh từ đó đã trở thành địa danh của ta.
Danh từ thứ nhứt là danh từ Tô của người Mường, Tô, trong ngôn ngữ
của Mường là cây dâu tằm, mà Mã Lai Nam Dương thì nói là Pảtô.
Danh từ thứ nhì là danh từ Đuống, là lúa gạo.
Mã Lai Nam Dương: Pa-đi
Ra Đê: Pơ-đai