là một làng của man di).
Nhưng ở vùng sông Đà có đến hai thứ người, người Thái Đen và người
Mường. Vậy tác giả là người Mường hay người Thái Đen? Cả hai thứ người
đó đều có văn tự hết.
Đọc tới bài Phạm Lệ không có ký tên, thì chúng tôi lại biết được thêm
một chuyện lạ lùng nữa là sách ấy viết bằng chữ Tàu, có đoạn lại viết bằng
thứ chữ Nôm của một dân tộc nào đó không rõ, họ dùng chữ Tàu để Nôm
ngôn ngữ của họ.
Còn ông Trần Nhật Duật thì lại không là dịch giả.
Tất cả những đoạn viết bằng văn Tàu thì ông để nguyên. Những đoạn
viết bằng văn Nôm của dân tộc đó mà ta còn hiểu được ông cũng để
nguyên, ông chỉ có chuyển ra văn Tàu những đoạn Nôm khó hiểu đối với
dân Việt Nam mà thôi.
Nhưng cái thổ ngữ ấy, được để nguyên mà ngày nay cụ Bùi Đàn đọc thì
hiểu được để dịch ra tiếng Việt, thì đích thị đó là tiếng Mường.
Ta đã phải suy nghĩ và suy luận hàng giờ mới hiểu được như vậy. Có lẽ
cụ Nguyễn Tạo cũng đã suy luận như vậy nên mới giới thiệu như thế kia.
Lối hiểu rất khoa học đó, thế mà lại không đúng. Sách được Trần Nhật
Duật tìm thấy năm 1280 do một ông tổ 5 đời của một người sống đồng thời
với Trần Nhật Duật viết, tức sách được sáng tác vào khoảng năm 1180.
Các nhà ngôn ngữ học lại chứng minh được rằng vào thuở ấy, tiếng
Mường và tiếng Việt chưa tách rời xa nhau như ngày nay.
Như thế Trần Nhật Duật không có lý do gọi tác giả là man di, vì hẳn họ
Trần biết rằng người Mường là người Việt Nam.