bảy chủng khác nhau thay phiên nhau mà làm chủ, cho đến thời Mã Viện.
Nhà viết sử phải biết khoa chủng tộc học để xem người Việt hiện nay
thuộc chủng nào trong năm bảy chủng đó, và phải kiểm soát bằng ngôn ngữ
mà như thế thì phải học ít lắm là ba bốn chục sinh ngữ và cổ ngữ Á Đông,
rồi cuộc kiểm soát phải được bỏ vòi qua các lãnh vực khác nữa như thượng
cổ sử Ấn và Tàu, truyền thuyết Việt, những phong tục bí mật, của Việt và
của các dân khác, chúng tôi nói đến phong tục bí mật, vì phong tục thường
mà ai cũng thấy, sẽ đưa ta đến sai lầm, vì đó là những điều mà dân tộc A có
thể vay mượn của dân tộc B. Giáo sư Nguyễn Phương đã lầm khi thấy ta có
những điểm giống Tàu. Nhưng những điểm bí ẩn mà Tàu và ta khác nhau
như đen với trắng thì giáo sư lại bỏ qua đi, vì không hay biết hay vì lẽ gì
không rõ.
Chúng tôi viết quyển sách nầy sau khi đã quá thất vọng và không thấy
sách nào về nguồn gốc dân tộc mà ta ổn cả. Ban đầu, chúng tôi chỉ học để
mà biết vậy thôi, cho thỏa cái tánh tò mò, nhưng rồi chúng tôi tự hỏi sao lại
không ghi lên giấy những gì mình khám phá được, công bố ra thử xem có
đúng hay không bởi sách nầy sẽ bị người khác mổ xẻ, và sự thật nhờ thế mà
xuất hiện ra lần lần.
Tất cả những thuyết mà chúng tôi cho là không đúng, đều đã giúp ích cho
chúng tôi rất nhiều thì những trang sách của chúng tôi mà có sai đi nữa
cũng sẽ giúp ích cho ai đó.
Cho tới nay, 1964, ta có thể nói rằng một quyển thông sử Việt Nam, cho
dẫu là lược biên như Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, cũng chưa nên
viết. Những Đại Việt sử ký toàn thư ngoại kỷ của Ngô Sĩ Liên, Khâm Định
Việt sử của sử quán trào Nguyễn, những Việt Nam sử lược của Trần Trọng
Kim, đáng lý gì chưa nên viết, bởi ta còn thiếu những quyển sử dứt khoát
cho từng vấn đề một.