Câu văn của tác giả trên, nếu viết như thế nầy thì vừa khoa học, vừa tránh
kỳ thị chủng tộc, vừa được mọi người hiểu ngay tức khắc: “Ở bên Tàu, có
hai thứ người thiểu số sống cạnh nhau, người Thái và người Mèo”. Còn câu
văn của Nhượng Tống thì phải sửa như thế nào, thì đã nói rồi.
Nếu ta tránh danh từ man di mà rồi lại cho danh xưng Mường có nghĩa là
man di, ta vẫn không thoát tội kỳ thị chủng tộc lại còn làm điên đầu những
kẻ đã biết Mường là một dân tộc nhứt định, chỉ có mặt ở Bắc Việt mà thôi.
Sự tránh né ấy không đem ích lợi nào tới cho ta hết mà chỉ gây thêm phiền
toái.
Nhưng sự thật, những người dùng danh xưng Mường, Mán như là danh
từ, không có tránh né cái gì hết. Họ chỉ là những người không thạo khoa
chủng tộc học và dân tộc học, chỉ có thế.
Tất cả những hỗn loạn về danh xưng trong sách vở ta, đều luôn luôn do
sự không biết khoa nầy hay khoa nọ, chớ không hề do tránh né cái gì hết, và
hỗn loạn nhứt là những danh xưng và danh từ địa lý cổ thời, chủng tộc học
và dân tộc học, ba khoa đó không phải là khoa khó học nhưng nó không
được ai chú ý tới hết, bị khinh thường vì người ta quan niệm rằng Man hay
Mán gì cũng đều là thứ người kém mở mang thì gọi sao cũng được.
Nhưng trường hợp Lĩnh Nam Dật Sử vừa cho ta thấy rằng không thể gọi
sao cũng được mà là cần gọi đích xác.
Vả lại trong phạm vi khoa học, bất kỳ cái gì cũng phải chính xác hết, kể
cả giả thuyết. Giả thuyết chỉ được phép mơ hồ ở đại cương, nhưng chi tiết
thì phải đúng y sự thật đã được công nhận.
Không riêng gì ta mới lẫn lộn danh từ, danh xưng mà ngay cả vài nhà bác
học Âu Châu cũng bê bối về vấn đề ấy.
Ba tờ tạp chí khoa học nhứt B.E.F.E.O, B.A.V.H, B.S.E.I. vẫn nhận đăng
những bài dùng danh từ và danh xưng hỗn loạn như vậy, khiến ta càng rối