Dầu sao cũng chắc chắn rằng họ là hậu duệ của người Cổ Đông Sơn vì
họ còn dùng trống đồng cho mãi đến ngày nay và họ còn đánh trống y hệt
như hình khắc trong trống, những cái hình đã làm cho các nhà bác học Tây
phương ngẩn ngơ. Họ lấy gậy chọc vào trống, chớ không phải đánh như ta.
Các ông Tây cứ bảo đó là giã gạo.
Đó là sợi dây nối kết họ với người Đông Sơn, còn sợi dây nối kết ta với
họ là ngôn ngữ của họ đích thị là ngôn ngữ Việt buổi trung diệp, mà cho cả
đến thế kỷ 17, ta vẫn còn nói như họ, thí dụ Trời, họ nói Blời hoặc Tlời, mà
theo các sách cố đạo thì vào thế kỷ 17 Việt Nam cũng nói Blời, Tlời.
Người Mường là cái khoen trung gian mà khoa học đòi hỏi. Tuy nhiên
chúng tôi đã tìm được nhiều khoen khác chớ khoen Mường thì quá mới.
Địa bàn của đồng bào Mường chạy dài từ Hòa Bình, Hà Đông xuống tới
đèo Mụ Già. Ở trên là địa bàn của Thái, điều ấy chứng tỏ họ không có gần
gũi với Trung Hoa, không có chịu ảnh hưởng Trung Hoa như Thái. Đó là
một điều vô cùng quan trọng để thấy rằng nếu có ảnh hưởng Trung Hoa đi
vào xã hội của họ thì là đều qua trần gian Việt Nam mà thôi, còn cái gì cố
hữu của họ là của họ, từ lúc sơ khai.
Ở Yên Bái và Nghĩa Lộ có một số ít người Mường nhưng đó là những
nhóm lẻ tẻ, địa bàn chánh của họ được người Việt và người Thái bảo vệ,
nên họ thoát được ảnh hưởng Trung Hoa.
Ngày nay, người Trung Hoa đã lọt được vào tất cả các cộng đồng thiểu số
sơn cước Bắc Việt, nhưng tuyệt nhiên không lọt được vào cộng đồng
Mường.
Trong bài tựa của quyển “Hành trình vào dân tộc học” của giáo sư
Nguyễn Bạt Tụy nói rằng người Mường là người Giao, và phân biệt Giao
Chợ (Việt Nam) và Giao Mường (Mường). Sự thật thì không phải thế.
Người Giao búi tóc ở sông Dương Tử, không cho ta sợi dây nối kết nào với