Quyển sách nầy dầy 600 trang khổ lớn và soạn giả của nó đã nằm tại đất
Mường để khảo sát và phải đọc tới 200 quyển sách của người Âu không kể
bài đăng ở các tạp chí, và đã đọc cả những sách xưa của Việt Nam mà cả ta
cũng chưa đọc hết như là Tam Bình thực lục, Hưng Hóa phong thổ ký,
Quãng binh chi, Thanh Hóa tỉnh cương giới phân hiệp danh hiệu duyên
cách, Tinh xuyên sơn cảnh thắng lạp ký, Hồng Đức thiên nam dư hạ tập, v.v.
Nói thế để cho thấy rằng tài liệu tạm đủ để mà kết luận cái gì.
Trước hết ta nên theo quan niệm của nữ tác giả trên về nguồn gốc một
dân tộc. Phải tìm được ba bằng chứng: nhơn thể tính, ngôn ngữ và dân tộc
tính, sự nghiên cứu riêng rẽ, không cho phép ta kết luận điều gì cả. Thế mà
các nhà khảo cứu Pháp khác mỗi người chỉ đứng ở một bình diện để kết
luận thì không thể tin được.
Chẳng hạn Madrolle chỉ đo sọ mà lại đo sai lầm rồi kết luận rằng người
Mường thuộc chủng Cổ Mã Lai, Diguet đã theo dõi kỹ thuật rồi cho rằng
người Mường gốc Thái, còn Przyluski và Maspéro thì bằng vào ngôn ngữ
để bảo rằng họ với người Việt đồng chủng.
Phải phối hợp cả ba chứng tích đó lại như cô J. Cuisinier đã làm, với lại
nhiều chứng tích khác nữa mới mong đi tới một cái gì có giá trị khoa học.
Trước hết, xin nói về việc đo sọ, cô J. Cuisinier nói rằng người Mường
khác nhau từng vùng, đôi khi hai làng khít ranh nhau mà con người cũng đã
khác nhau quá xa. Có lẽ đó là di tích các bộ lạc xưa, nên rất khó khảo sát họ
về mặt chủng tộc học.
Người Việt Nam đã rời khỏi chế độ bộ lạc và chế độ tiền-phong-kiến từ
lâu, sống pha trộn nhau, con gái Sơn Tây lấy con trai Ninh Bình, còn người
Mường chỉ cưới vợ, lấy chồng quanh quẩn trong làng, nên bao nhiêu bộ lạc
xưa, nay cứ còn chường mặt ra, không có được bộ mặt thống nhứt như
trong xã hội Việt Nam.