Hai người viết sách, một đàng không biết chi tiết, dè dặt chỉ nói Lạc
Vương là đáng khâm phục lắm, một đàng biết chi tiết, nói rõ hơn là Hùng
Vương thì cả hai đều đúng sự thật. Chỉ có những người bắt buộc Việt Nam
phải nô lệ Trung Hoa mới ngỡ thấy Việt Nam sai, Trung Hoa đúng mà thôi.
Câu chuyện thật là ngộ nghĩnh. Một ông Tây tố cáo sử gia Tàu và sử gia
Việt viết sai chánh tả Tàu.
Ngộ nghĩnh hơn nữa là tánh cách của các cuộc tranh luận. Các học giả ta
chia ra làm hai phái, phái theo ông Tây H. Maspéro, phái chống, nhưng cả
hai đều tức giận ghê hồn.
Bình tĩnh chớ! Ông Maspéro chỉ mắc bịnh tố cáo chánh tả như Văn Lang,
Dạ Lang, Hùng Vương, Lạc Vương mà viết ra vậy thôi chớ ông ấy bình tĩnh
lắm.
Còn ta, vua tổ của ta hiệu là gì; nào có đáng giận ai nói sai đâu.
Ta nên bình tĩnh mới tìm ra sự thật được, chớ hễ tức giận là đã có khuynh
hướng rồi, tức giận là bị ám ảnh rằng mình là đúng, kẻ khác là sai.
Trước hết, thiên hạ nói đến một quyển cổ thư mà không ai thấy bao giờ,
đó là quyển Giao châu ngoại vực ký, chỉ thấy sách khác trích lại. Nhưng
cũng không ai biết những đoạn trích dẫn có trích đúng hay sai, vậy mà cứ
xem G.C.N.V.K. là khuôn vàng thước ngọc thì hơi trái lẽ. Nhưng ta vẫn cứ
phải lấy T.K.C. làm chứng, mặc dầu không biết nó có chép đúng theo sách
được dẫn hay không.
Quyển “Thủy Kinh Chú” trích dẫn G.C.N.V.K. thì giá trị của nó như sau
đây:
Xin nhắc lại số tạp chí dày 480 trang khổ lớn, tạp chí Hán Học xuất bản
tại Bắc Kinh 1947. ông R.A. Stein thường dựa vào quyển sách đó, nhưng
ông ấy có báo động cho độc giả biết những điều sau đây: Lệ Đạo Nguyên,