“Trong lãnh vực cổ sử cũng như trong các lãnh vực khác, sự khảo cứu
không mãi mãi đứng yên một chỗ mà tiến triển không ngừng, những thủ đắc
của người trước nếu không là điểm tựa cho người sau tiến lên thì cũng là
chính đề để người sau xây dựng phản đề. Nhứt là khi gặp những nghi vấn
lịch sử, ý kiến của những người đối lập càng cần được đem ra kiểm soát,
phê bình, để biện minh cho ý kiến của chính mình”.
Trần Viên
Tạp chí Bách Khoa, số 205,
15.7.1965
Nếu quyển sách nhỏ nầy mà có chừng một trang giúp ích được vào việc
nghiên cứu cổ sử Việt Nam của người sau, thì cũng không uổng công chúng
tôi đã bỏ ra một chục năm học hỏi.
Trong sách nầy chúng tôi thường có dịp phê bình và công kích những nhà
bác học Tây phương làm việc khảo cứu cho xứ ta. Nhưng xin đừng tưởng
rằng chúng tôi sướng miệng lắm khi làm như vậy, nhứt là đối với ông H.
Maspéro.
Ông H. Maspéro, trở về già, đã gia nhập kháng chiến bí mật chống Đức
trong trận thế chiến thứ II, và đã bị Đức quốc xã ngược đãi đến chết. Đối
với chúng tôi, ông là một bậc anh hùng.
Nhưng chúng tôi phải vì sự thật khoa học, biết sao giờ!
Họ giỏi hơn ta quá nhiều, họ phân biệt được một đồng tiền nhà Chu thật
với một đồng tiền nhà Chu giả thì tưởng ta khó mà làm một mình cái công
việc mà họ đã làm, nhưng vì không biết vài yếu tố nào đó mà họ sai, ta vẫn
phải vạch rõ, và công việc kiểm soát của ta, không có nghĩa là phụ ơn họ.
Cố đạo L. Cadière thường nói: “Chúng tôi không có tham vọng viết sử,
chúng tôi chỉ có lôi ra ánh sáng và thu thập cho thật nhiều tài liệu vững để
dành cho các sử gia đời sau”.