Chúng ta sẽ biết vì sao. Không phải Ấn Độ không có óc đế quốc như
Trung Hoa, mà vì người Ấn Độ đó, không phải là người Ấn. Tất cả những
bọn Ấn đi khai hóa Cao Miên, Nam Dương, Chàm, đều là người Nhục Chi
gốc Ba Tư, đã xâm lăng Ấn Độ, và vừa bị mất ngôi nên mới chạy bậy bạ
như thế, đủ sức khai hóa các dân kém mở mang, nhưng không đủ sức đánh
chiếm họ.
Đó là khám phá mới nhất nó làm cho các cuốn sử về Nam Dương, Cao
Miên và Chàm, được viết trước chiến tranh, sai cả.
Bốn trong năm điều kể trên đây cho ta biết thật rõ ràng về tình hình nước
Cổ Việt Văn Lang hơn là khoa khảo tiền sử đã cho biết. Truyền thuyết có
chơn giá trị, nhưng chỉ có giá trị khi nào được xét đúng, mà muốn xét đúng
phải được khoa khảo tiền sử soi sáng cho. Hai thứ đó hỗ tương soi sáng cho
nhau, thiếu một thứ không xong. Thiếu truyền thuyết thì cốt chuyện không
có chi tiết, còn thiếu khoa khảo tiền sử thì chi tiết lại không có chỗ dựa là
cốt truyện.
Nhờ truyền thuyết ta biết nhiều chi tiết quan trọng hơn.
Thế nên nghe sao cần ghi trung thành như vậy, đừng có mỹ hóa mà hại
đời sau. Ta nhờ cô J. Cuisinier ghi chép tỉ mỉ và trung thành, ta mới giải
thích được như trên kia, nếu cô ấy bỏ mất chi tiết sai thợ đúc, Đông, Tây,
Nam, Bắc, thì ta đã bí về rất nhiều sự kiện lịch sử.
Ông H. Parmentier đã ức đoán rằng trống đồng là quà tấn phong của vua
Hùng Vương ban cho các lãnh chúa và ức đoán ấy phù hợp với đoạn truyền
thuyết trên.
Con số 1960 lãnh chúa cũng có thể tin được, mặc dầu một con số quá rõ
như vậy trong truyền thuyết chỉ là chuyện khả nghi. Ngày nay một quan
lang, tức lãnh chúa xưa, chỉ trông coi có một vài thôn thì toàn quốc có 1960
lãnh chúa không có gì là vô lý.