Nhượng Tống mà rồi cụ ấy lại viết là Con trai xâm mình, vì con trai xâm
mình có vẻ oai hùng hơn là Cau sọc là chuyện thấp lè tè.
Đối với tai của Việt Nam thì Văn Lang nào cũng như Văn Lang nào, còn
nghĩa thì nên viết sao cho nó oai hùng.
Cụ ấy viết thế cũng ổn, vì nó phù hợp với tục xâm mình của dân ta, lại
thỏa mãn được thói quen thích mỹ hóa của cụ.
Trong quyển L’Art Vietnamien, ông L. Bézacier nhận xét rằng không có
chùa chiền, miếu mạo nào của Việt Nam mà không có cây cối nơi sân và
quanh đó, để làm tăng vẻ đẹp của công trình kiến trúc ấy.
Điều đó thì chính ta cũng biết. Nhưng kỳ lạ thay, để minh họa nhận xét
trên, cả hai quyển L’Art Vietnamien và L’Art du VietNam, cả hai đều xuất
bản ở Bá Lê, cho ta thấy một loại cây khác hơn là ta tưởng tượng. Ta cứ
đinh ninh đó là cây đa, cây bồ đề. Nhưng không.
Đền thờ Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư: Cây cau
Chùa Thiên Phúc ở Sơn Tây: Cây cau
Tháp Bình Sơn ở Vĩnh Yên: Cây cau
Phù đồ của chùa Thiên Phúc Bắc Ninh: Cây cau
Chính ngôi chùa Thiên Phúc: Cây cau
Chùa Keo Thái Bình: Cây cau
Chùa một cột Hà Nội: Cây cau
Riêng ngôi chùa Keo được dùng làm ảnh bìa, cây cau lại là “nhơn vật”
quan trọng của bức ảnh bìa đó, chớ không phải là ngôi chùa nữa.
Vấn đề vật tổ Cau sọc như đã nói, vô cùng quan trọng vì nó xác định
được rằng thuở ấy ta đã dựng nước và nước ta đã có tên là nước Cau Sọc.