Vật tổ Cau sọc đánh ngã được hoài nghi của hai ông L. Aurousseau và H.
Maspéro, hai ông ấy cho rằng thuở đó ta chưa có nước, còn Văn Lang thì
chỉ do các nhà nho ta lầm tự dạng của Dạ Lang mà chép càn thôi.
Ông H. Maspéro và ông L. Aurousseau mắc bệnh tố cáo sự lầm tự dạng
tưởng tượng của ta. Ai lầm đâu không thấy, chỉ thấy chính các ông đã lầm,
và còn ngụy tạo nữa là khác.
Chúng tôi đã trình bày về cuộc ngụy tạo của hai ông ở chương về Tây Âu
Lạc, giờ chúng tôi tố cáo lại một ông đã lầm khi viết tên chồng của bà
Trưng. Ông ấy viết là Thi Tố vì chữ Tố khá giống chữ Sách (B.E.F.E.O.
1918).
Nói thế, không có ý chê bai hai ông đâu. Hai ông là người Pháp, ta dễ dãi
cho được, vả lại Sách và Tố quá giống nhau thì họ lầm là chuyện có thể bỏ
qua. Nhưng họ đừng tưởng ai cũng lầm. Dạ và Văn là hai chữ nho đơn sơ ít
nét, chớ không rắc rối như Sách và Tố, thì kẻ mới học, cũng không thể lầm
chớ đừng nói là các nhà nho.
Một nhà nho Tây khác đã công kích hai ông L. Aurousseau và H.
Maspéro về cái án lầm tự dạng nầy. Hễ mỗi lần hai ông bí là hai ông đổ cho
ta và Tàu lầm tự dạng. Ông Tây thứ ba tên là R.A. Stein mà tài liệu được
chúng tôi dùng rất nhiều trong quyển sách nầy.
Không đồng ý với ông R.A. Stein về nhiều điểm, chúng tôi vẫn khâm
phục tài học của ông, không có sách Trung Hoa, La Mã, Hy Lạp, Ấn Độ,
Cao Miên, Tây Tạng, Đại Hàn, Nhựt Bổn nào mà ông không đọc để tìm tòi
cho vấn đề mà ông trình bày, kinh khủng nhứt là ông đọc cả ngoại thư
Trung Hoa, cả sách thuốc, sách bói, sách thiên văn của họ nữa.
Ông có tinh thần khoa học, nhưng vẫn không thiếu cái phần nhân bản
trong việc suy luận tìm tòi, thế nên ông giải thích được những chỗ bí hiểm
của cổ thư mà óc duy lý cho là nên vứt đi, vì sách nói chuyện huyền hoặc.