Nhưng có một sự kiện hơi kỳ dị là họ không dùng tự dạng bộ Mễ để chỉ
Lạc nước Sở nữa mà dùng để chỉ dân Âu Việt đó, còn Việt nước Sở thì
được chỉ bằng tự dạng mới là tự dạng thứ ba.
Mãi cho đến ngày nay, dân Quảng Đông cứ còn được chỉ bằng chữ Việt
bộ Mễ.
Nhưng ta suy cho cặn kẽ, ta sẽ phải phục các ông Tàu đời xưa, họ làm
việc ý thức kinh hồn. Trong cái mà ta ngỡ là rối reng, vô trật tự, lại có suy
tính, có sắp đặt hẳn hòi, chớ không phải làm sao cho xong thì thôi đâu.
Cả hai thứ Việt đều trồng Mễ. Vậy chữ Việt nào bằng tự dạng bộ Mễ
cũng đúng cả. Nhưng họ cần phân biệt, mà Âu thì không có biệt sắc nào
hết, trái lại Lạc thì lại có. Lạc có chuyện lạ là Tàu biết đám đó có một phần
đã VƯỢT Hoàng Hà, để nhập với Lạc nằm sẵn ở dưới Hoàng Hà, còn Âu
thì chạy mất ngay sau khi thua Hiên Viên nên họ quên Âu nầy là Lê kia.
Thế nên Lạc ở Sở mới được chỉ bằng tự dạng mới, nói lên được cái biệt
sắc VƯỢT Hoàng Hà.
Tự dạng thứ ba đó là một động từ mà họ đã có sẵn rồi, chớ không phải là
tân tạo đâu. Động từ ấy có nghĩa là Vượt qua. Nhưng động từ ấy lại là đồng
âm với Việt bộ Mễ.
Thế thì hay quá. Họ cứ biến động từ ấy thành danh xưng để chỉ Việt nước
Sở là dân đã Vượt qua Hoàng Hà, một công mà hai việc, giữ được âm Việt,
lại chỉ được một biệt sắc của một thứ dân mà họ muốn phân biệt với Âu.
Chữ Việt thứ ba ấy lại còn hay ở chỗ nầy là nó gồm chữ Tẩu là chạy trốn,
ăn vào, với việc chạy trốn của Việt Hoa Bắc.
*
* *