Không thể tin rằng vì lười mà họ bày ra tự dạng thứ ba. Họ đã bày ra quá
nhiều chữ một ông quan thường cỡ ông Quận trưởng đời Tần, ông Vương
đời Hán, suốt đời cũng chẳng dùng tới mà chỉ có các nhà bác học là có dùng
mà thôi.
Như vậy là họ lấy động từ Việt để biến thành danh từ chỉ tên dân là họ có
ý ngầm nói cái gì đó. Rồi ta sẽ thấy cái ý thức đó lộ rõ ra với chữ Việt thứ
tư xuất hiện vào đời Hán, trong quyển Hoài Nam Tử của Lưu An.
(Cũng nên nhớ rằng Việt bộ Mễ dùng để chỉ riêng Âu tức Thái, là do
Khổng Tử ghi vào sách từ năm soạn Xuân Thu kể câu chuyện trên, chớ
không phải vì vua Quang Trung muốn đòi Lưỡng Quãng nên Tàu mới sửa
lại vào thời Nguyễn Huệ để phi tang đâu, như có người tưởng và viết ra như
vậy).
Cũng nên lưu ý quý vị rằng lại có một chữ Việt thứ tư nữa, chữ Việt nầy
xuất hiện vào đời Hán, trong quyển Hoài Nam Tử của Lưu An.
Chữ Việt thứ tư hơi giống giống chữ Việt thứ ba, còn giữ chữ Tẩu là chạy
trốn, nhưng chữ Tuất thì bị thay bằng chữ Thích giản dị hóa.
Chữ Thích là cái lưỡi rìu, viết rất rắc rối, nhưng giản dị hóa rồi thì nó chỉ
còn có một bên phải, mà bên phải đó hơi giống bên phải của chữ Việt thứ
ba, nhưng khác nghĩa, cố nhiên.
Bên phải ấy, cứ là chữ Qua là cây Giáo, nhưng trong chữ Thích giản dị
hóa cái phết và cái chấm ở bên trái chữ Tuất được thay bằng một cái đá.
Tại sao Lưu An lại làm như vậy? Cũng cứ là có ý thức, có suy tính.
Lưu An nói chuyện Tần Thỉ Hoàng đánh Ngũ Lĩnh mà ở Ngũ Lĩnh thì
người Tàu phải điên đầu với lu bù thứ Việt: Nước Đông Âu, nước Tây Âu,
nước Mân Việt và hàng chục nhóm Việt nhỏ chưa lập quốc sống cài răng
lược giữa hai ba quốc gia đó.