Thật ra thì Tả Khâu Minh viết Tả Truyện vào khoảng năm 560 T.K. và
cũng nói chuyện đời xưa, nhưng chỉ xưa có 50 năm mà thôi, vì ông chép
chuyện xảy ra năm 613 T.K. Cho đến năm 659 T.K. thì Khổng Tử, trong
Xuân Thu, còn tiếp tục gọi đất đó là đất Kinh Việt nhưng không nói đến
man di Việt nữa. Vào năm 659 đó thì họ Khổng bỏ địa danh Kinh Việt mà
gọi nơi đó là nước Sở. Thế nghĩa là bọn di cư, dưới sự lãnh đạo đợt hai của
Hùng Dịch đã tràn ngập dân Việt rồi, tự thấy họ đủ sức lập quốc nên mới
dựng lên cái nước mà Khổng Tử vừa chỉ tên. Họ Khổng chuyên môn gói
ghém tất cả các sự kiện chằng chịt vào một câu ngắn hai ba tiếng thì ta phải
suy luận để mà hiểu cho đúng. Với tinh thần tôn quân và quý phái triệt để,
Khổng Tử coi thường vua Sở, nhìn nhận nước Sở đã thành lập mà không
nhìn nhận vua Sở và cứ tiếp tục gọi ông ấy là Sở Tử, cái tước hạng bét mà
Chu Thành Vương đã ban cho Hùng Dịch. Khinh cả quý tộc Trung Hoa họ
Hùng, dĩ nhiên Khổng Tử càng khinh man di Việt hơn và không hề bố thí
cho bọn ấy lấy một tiếng.
Nhưng Tả Khâu Minh, người làm “phụ đề” cho Khổng Tử lại khách quan
và khoa học và nhờ Tả Truyện mà ta biết rõ hơn về dân Việt.
Theo Tả Khâu Minh thì tiếm xưng Vương hiệu năm 613 T.K. rồi thì
Hùng Cừ, cháu sáu đời của Hùng Dịch, bắt đầu nuốt các nước Việt. Thế
nghĩa là Việt tộc đã đủ văn minh để mà lập quốc rồi vì đã có các nước Việt
trước cả khi dòng họ Hùng ly khai lập quốc nữa, chớ không phải sau. Quả
thật thế, về sau, sử đời Hán, nói rõ hơn, Sử Ký của Tư Mã Thiên cũng chép
rằng dòng họ Hùng đã bắt đầu nuốt một nước Việt, một nước hoàn toàn
man di, vào năm 887 T.K. thuở mà Sở chưa có quy củ gì cả, chưa lập quốc,
và cứ cai trị với tước Tử của Chu Thành Vương.
Người ta nói nuốt chủng Việt chỉ là sáng kiến của họ Hùng, chớ không
phải của Trung Hoa. Nhưng nếu họ Hùng không làm, chánh quốc của y
cũng sẽ ra lệnh cho y làm.