Chính nhà học giả C.L. Madrolle đã công kích ông L. Aurousseau bằng
những luận điệu đó mà sử gia Nguyễn Phương trích lại để đánh đổ thuyết
thiên di. C. L. Madrolle còn nói thêm những việc chống cự của tù trưởng
các xứ mà bọn thiên di đã đi qua.
Ông không biết rằng Tây Âu, Mân Việt và Lạc đồng chủng, sử Tàu và
khoa chủng tộc học đã nói như vậy chớ không phải chỉ là lời bịa của chúng
tôi. Họ lại dựng nước có tổ chức mạnh mẽ, chớ không còn là tù trưởng dã
man. Vua Trạch Hu Tống hay ông cha của Trạch Hu Tống không sao mà
không thương xót người đồng chủng, đồng ngôn, trên bước phiêu linh, tiếc
đến cả việc cho mượn đường chạy trốn.
Người xưa chỉ chống bọn xâm nhập khi nào sợ bọn ấy, mà họ chỉ sợ
trong hai trường hợp: bị đánh hoặc không biết mục đích. Thuở ấy các nhóm
Việt đều biết mục đích của Bộc Việt là mượn đường di cư, thì họ không sợ
và không ngăn chống.
Sử gia Nguyễn Phương trích lại lời công kích của C. L. Madrolle và thêm
rằng tại sao dân Việt (Cối Kê) bại trận chết nhiều lại có thể sanh sôi nảy nở
trên một khoảng đất dài hàng ngàn cây số.
Nhưng sanh nở trên hằng ngàn cây số hồi nào đâu chớ? Họ chỉ đi qua mà
thôi, chớ không có ở lại dọc đường. Sử gia Nguyễn Phương không biết rằng
ba quốc gia Đông Âu, Mân Việt và Tây Âu đã hùng cường rồi, và không có
đọc kỹ Xuân Thu, ngỡ đó là ba nơi hoang dã.
Sử gia Nguyễn Phương lại hỏi tại sao dân Việt lại chịu được phong thổ
độc mà lính Tàu đã phải chết hơn phân nửa?
Câu hỏi nầy thật là kỳ dị? Là tại họ là dân Việt, ở Hoa Nam nên quen với
khí hậu bán nhiệt đới, còn lính Tàu là người ở Hoa Bắc. Mà chính vì thế mà
cái thuyết ta là Tàu di cư của Nguyễn Phương sai.