Ta lại nghiên cứu hai bài thơ Thiệp Giang của Khuất Nguyên và Chiêu
hồn của Tống Ngọc.
Dưới thời Khuất Nguyên và Tống Ngọc, thì nước Sở đã bành trướng ra
quá lớn bởi nó đã nuốt cả U Việt và Ngô rồi, và đóng đô tại Thọ Xuân,
thuộc tỉnh An Huy ngày nay.
Bộc Việt không bị đẩy lui về hướng chánh Nam của Sở vì đó là địa bàn
của chi Thái mà chúng tôi nói rõ ở một chương trước. Bộc Việt chỉ đi về
hướng Đông Nam.
Nói rõ hơn, Nam Hồ Nam và Quảng Tây, Quảng Đông là đất của Tây
Âu, đó là sự kiện biết chắc do một bức dư đồ được trình bày ở chương
Chủng Thái và nước Tây Âu. Còn Triết Giang và Phúc Kiến mới là đất của
chi Lạc. Đó là không kể Giang Tô, địa bàn của nước Ngô, cũng là đất Lạc,
nhưng đã bị mất rồi vào tay Sở.
Thế nghĩa là nếu có một bọn Lạc bất khuất thì bọn ấy bị họ đẩy lùi về
phương Đông Nam của Thọ Xuân chớ không phải phương chánh Nam.
Lúc bị truy kích, Khuất Nguyên đi về phương Nam, nhưng phương Nam
ấy là ở đâu?
Bài Thiệp Giang rất là chính xác về địa lý. Ông cho biết ông vượt sông
Tương rồi đi ngựa trên một lộ trình nữa thì gặp sông Nguyên. Sông Nguyên
ở phía Tây sông Tương, trong tỉnh Hồ Nam. Vậy là ông khởi hành ở phía
Đông, tức tại kinh đô Thọ Xuân là kinh đô cuối cùng của nước Sở và đi về
phía Tây của Thọ Xuân. Khuất Nguyên lại nói đến những nơi chốn: Uổng
Chữ, Thần Thang, v.v.
Thế, đất trích của Khuất Nguyên là Tây Nam Hồ Nam ngang tỉnh Quảng
Tây về kinh tuyến, kinh tuyến 111, vĩ tuyến 28 tức cứ còn ở trung bộ tỉnh
Hồ Nam ngày nay.