Thì ra, đó là thơ tả một hoặc các buổi lên đồng chớ không có gì lạ cả.
Tuy nhiên chỉ những người ở trong một xã hội có việc lên đồng mới là hiểu
được những bài thơ đó, những người nước khác thì không, thí dụ người Hoa
Bắc thì mù tịt.
Việc lên đồng trong xã hội Việt Nam, không thấy có cái pha gay cấn cuối
cùng đó, vì các bà đồng ta về sau theo lễ giáo Khổng Mạnh, nên phải bỏ đi,
nhưng xưa thì có.
Ông H. Maspéro cho biết rằng, trong xã hội Gia Rai, các bà đồng vẫn còn
mời thánh giao hợp với các bà, mà cứ theo nghiên cứu ngôn ngữ của nhà
ngôn ngữ học Cabaton thì người Gia Rai là người Mã Lai thuần chủng nhứt
ở Đông Nam Á vì ngôn ngữ của họ không có mang lấy một danh từ Phạn
hay Á Rập nào hết như ngôn ngữ Chàm, Phi Luật Tân, hay Anh-đô-nê-xia.
Và theo chúng tôi nghiên cứu ở chương ngôn ngữ thì Gia Rai thuộc đợt hỗn
hợp, tức y như Việt Nam.
Đồng bóng trong Cửu Ca vẫn có nam thánh và nữ thánh như đồng bóng
của ta ngày nay, nhưng ở nước Sở và ở xứ ta, Tam Phủ hay Tứ Phủ gì cũng
Trời là tối cao.
Bốn tượng đồng ấy không thể nào mà không tượng trưng cho việc mời
thánh giao hợp với bà đồng.
Hơn thế, hai chiếc thuyền trên bình đồng Đào Thịnh cũng khác lạ hơn
thuyền ở trống đồng. Hai thuyền nầy chiếc sau chạm mũi vào lái của chiếc
trước, nhưng được hai vật gắn ở mũi và lái của hai chiếc làm trái độn. Hai
con vật nầy đụng chạm nhau trong cái dáng giao hợp của loài bò sát mà có
chơn. Chỉ trong có một cái bình mà có đến hai loại hình giao hợp thì quả đó
là việc vô cùng quan trọng của tôn giáo ấy (đồng bóng). Chỉ có giao hợp
với Thánh, lời của các bà đồng bóng mới là lời thiêng, bằng không các bà
sẽ chỉ là người đàn bà thường như bất kỳ ai.