1. Tổ tiên ta có địa bàn cũ ở Hoa Bắc, nhưng chỉ lập quốc ở bờ Nam
Dương Tử. Trí nhớ của dân ta chỉ có thể trở về nguồn tới thời lập
quốc mà thôi, và truyền thuyết rằng thuở xưa ta có biên giới phía
Bắc là Hồ Động Đình đúng sự thật.
2. Truyền thuyết Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ cũng có sự thật trong
đó, dĩ nhiên là một sự thật rất hạn chế: Địa bàn của Lạc luôn luôn
giáp ranh với địa bàn Âu tức Thái và từ 5 ngàn năm rồi từ thời Hiên
Viên, đã có nhóm Lạc Lê. Và sự kiện đáng để ý nhứt là địa bàn của
Lạc luôn luôn ở đầm lầy, hoặc gần biển, cái địa bàn mà Âu Mỹ gọi
là Malais maritime, còn địa bàn của Âu luôn luôn ở trong lục địa,
núi rừng (bà Âu Cơ là tiên nên dẫn con lên rừng). Âu Mỹ gọi là
Malais des jungles. Đó là Rồng (Lạc) và Tiên (Âu).
Cũng nên biết rằng người Mường không nói Âu Cơ mà nói Ngu Kơ. Và
họ nói đúng. Chính dân của nước (Tây) Âu tự xưng là Ngu, Tàu (Quan
Thoại) nhại đúng và đọc là Ngê U. Tại các nhà Nho ta đọc sai cái chữ đó là
Âu, chớ kẻ tự xưng (Thái) và người phiên âm (Tàu) với lại nhơn chứng
(Mường) đều đọc đúng. Người Mường đọc đúng vì họ không có học chữ
Tàu với các cụ đồ của ta là kẻ đọc sai. Họ đọc theo tổ tiên của họ đã nghe
dân (Tây) Âu tự xưng.
Phê bình Khâm Định Việt Sử, vua Tự Đức cho rằng chuyện một trăm đứa
con không thể đúng sự thật vì con đâu mà nhiều quá thế. Vua Tự Đức có vợ
chánh và vài chục quý phi với lại vài ngàn cung nữ, nhưng vua hiếm con,
nên chẳng biết rằng bao nhiêu đàn bà ấy có thể đẻ ra đến một ngàn con chớ
đừng nói là một trăm con.
Vua Tự Đức lại dốt về gia phả của họ Nguyễn Phúc. Chính ông tổ 8 đời
của vua Tự Đức là chúa Nguyễn Phước Châu có đến 146 người con (theo
thế phả trào Nguyễn), may là chúa Nguyễn Phước Châu tu đạo Phật đấy,
chớ nếu không tu, chúa có thể có đến 500 con.