Mọi người cười ồ. Lâu nay họ cứ tưởng những người như mẹ con
cậu chủ là người bậc trên, cuộc sống của họ hẳn phải sung sướng
khác người. Ai dè, họ cũng trải nhận cuộc sống không khác bao
nhiêu so với người tay bùn, chân lấm.
Có dịp trò chuyện với những người dân quê như thế này, chiêu
Bảy dần dần nhận ra nhiều điều. Những người hầu là bà con
này ngoài là một số bà con xa, còn có những người là lính tráng lấy
từ các trấn về đây, lại có cả những người thân thích của đám quan
lại cấp dưới tự nguyện đến dưới trướng của cha, của anh mình, chịu
sai bảo để mong ngày cất nhắc. Những người này không phải ai
cũng được đối đãi như nhau. Có một số người không đến nỗi túng
thiếu, nhưng đa phần là những người lao động chân tay phải làm
lụng vất vả từ sớm đến tối. Chiêu Bảy cũng nhiều lần nhìn thấy
những sự hiếp đáp, bon chen trong đám lính hầu, lính gác, trong
đám đầu bếp, gia nhân. Có cả những cảnh người này thậm thụt với
người kia cho vay hoặc xin ít quần áo cũ đem về quê nhằm giúp
người nhà qua những buổi đói kém, cơ cực.
Quay mình trở về phủ, chiêu Bảy dừng bước tần ngần nhìn vào
gian nhà thờ. Dùng dằng một chút, cuối cùng chiêu Bảy cũng bước
tới hương án đứng nghiêm trang trước bài vị của cha. Cậu chỉ đứng
lặng im, không nói gì vì thực sự cũng chẳng biết nói ở đây những
điều gì nữa. Lúc thân phụ đang còn, chiêu Bảy cũng không thường
xuyên gần gũi. Cậu thấy cha rất uy nghiêm và trước cha, mọi
người đều luôn tỏ ý sợ sệt phục tùng nên cậu cũng mặc nhiên e dè.
Từ ngày cha mất, đôi lúc cậu cũng cảm thấy có gì thiêu thiếu,
nhưng mỗi lần nhớ cha, đến đứng trước ban thờ, cậu lại vẫn thấy
có gì sờ sợ không sao lý giải được. Tâm trạng và hành xử của chiêu
Bảy hoàn toàn khác với người cháu Nguyễn Thiện, là con của anh
Nguyễn Điều. Thiện chỉ kém chú Du có vài tuổi nhưng lại rất hoạt
bát. Thiện có thể leo lên đùi ông nội Nguyễn Nghiễm đưa tay vuốt ve