Chỉ mấy ngày kéo cá, săn chim, Nguyễn Du đã cảm thấy say mê.
Ông có vẻ tự đắc khi nói với Nguyễn Hành:
-Chú nghĩ mình nên có một danh xưng mới. Xuống biển là Nam
Hải điếu đồ (người đi câu ở biển Nam) mà đi săn thì gọi là Hồng
Sơn liệp hộ (Người đi săn ở núi Hồng).
Nguyễn Hành rất tán thành, nhưng cũng nói thêm với chú:
-Ít ngày nữa cháu sẽ cùng chú sang phía Hồng Lĩnh săn thú theo
đúng cái danh người đi săn ở núi Hồng. Bên ấy còn nhiều cảnh
đẹp chú ạ!
***
Thăm thú cảnh trí quê hương với Nguyễn Hành, phần nào tâm
can Nguyễn Du cũng dịu nhẹ. Nhưng với con người mang tâm tính
buồn, lại đầy tố chất nghệ sĩ, Nguyễn Du vẫn thấy cô đơn. Hôm
ở
Cửa Hội kéo cá với ngư dân, nhìn thấy những gánh cá nặng trên
vai những người dân ấy, Nguyễn Du lại nghĩ tới những cơ cực mà họ
phải chịu. Thế là một ý thơ thoáng qua đầu ông: Đòn gánh tre chín
dạn hai vai... Khi ngắm cảnh buồm về bến Son, Nguyễn Du lại
nghĩ:
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu.
Rồi trên đường trở về nhà, giẫm chân lên những cồn cát, nhìn
những bụi cây lúp xúp ven đường, Nguyễn Du thấy mình thật bơ vơ:
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia...